Trading involve risks and are not suitable for all investors. Please ensure you fully understand the risk involved.

Quỹ mở là gì? Cách tối ưu hóa lợi nhuận khi đầu tư quỹ mở

Quỹ mở

Khi nhà đầu tư loay hoay không biết đầu tư tiền nhàn rỗi của mình vào đâu để có được hiệu suất sinh lời đều đặn, quản lý danh mục an toàn và chuyên nghiệp thì quỹ mở có thể là một lựa chọn tuyệt vời.

Ở bài viết dưới đây, chúng ta sẽ cùng làm rõ định nghĩa về quỹ mở, lợi ích đi kèm của nó, cũng như những điều nhà đầu tư cần chú ý khi quyết định lựa chọn hình thức đầu tư này.

 

 

1. Quỹ mở là gì? Quỹ mở hoạt động như thế nào?


⁃ Định nghĩa

Quỹ mở (Open-ended Fund) là hình thức quỹ chứa danh mục đa dạng các loại trái phiếu, cổ phiếu cùng nhiều loại tài sản khác, được đóng góp bằng tiền của nhiều cá nhân và tổ chức gộp lại. Nhà quản lý quỹ mở sau đó sẽ bán lại các loại tài sản này dưới dạng chứng chỉ quỹ cho những người đã góp tiền.

⁃ Quỹ mở hoạt động như thế nào?

Quỹ mở hoạt động qua việc tập hợp tiền của một nhóm nhà đầu tư để nắm giữ một danh mục nhiều loại chứng khoán khác nhau. Tính năng “mở” xuất phát từ việc nhà quản lý quỹ có thể phát hành thêm và mua lại chứng chỉ quỹ cũ liên tục theo yêu cầu của khách hàng. 

 

Nhà quản lý quỹ chuyên nghiệp sẽ đưa ra quyết định đầu tư thay cho những người góp vốn với mục tiêu thu về lợi nhuận tối đa đồng thời vẫn đảm bảo an toàn cho toàn bộ danh mục. Trong khi đó, những người góp tiền sẽ không có quyền can thiệp vào quyết định này.

 

Giá trị tài sản ròng (NAV) của quỹ sẽ được tính toán sau mỗi phiên giao dịch, dựa theo mức giá của các loại chứng khoán nằm trong danh mục. Bên cạnh đó, giá của mỗi chứng chỉ quỹ được tính dựa trên NAV chia cho tổng số chứng chỉ quỹ đang lưu thông. Đây là mức giá mà nhà đầu tư trao đổi với nhà quản lý quỹ khi có nhu cầu.

Mô hình quản lý và giám sát quỹ mở

Mô hình quản lý và giám sát quỹ mở – Nguồn: PVComCapital

 

⁃ Vai trò của quỹ mở

Quỹ mở nắm giữ vai trò tất yếu trong nền kinh tế bằng cách mang tới một danh mục tài sản đầu tư phong phú, đồng thời cho phép những người góp vốn sở hữu các loại tài sản khó tiếp cận khi thực hiện đầu tư độc lập.

 

Bên cạnh đó, qua việc mua vào hàng loạt loại chứng khoán khác nhau, quỹ mở giúp thỏa mãn nhu cầu vốn của các công ty, góp phần phát triển doanh nghiệp và tăng số lượng việc làm. Nhờ có quỹ mở, thanh khoản thị trường cũng trở nên dồi dào hơn do nó tạo điều kiện cho người góp vốn mua thêm và bán lại chứng chỉ quỹ ở mọi thời điểm, cung cấp thanh khoản khi cần ổn định thị trường.

 

Quỹ mở mang tới sự quản lý tài sản chuyên nghiệp do danh mục luôn được quyết định và chịu trách nhiệm bởi những chuyên gia gạo cội trong ngành. Điều này giúp những người góp tiền tận dụng được chuyên môn ưu việt của nhà quản lý quỹ.

 

 

2. Các loại quỹ mở


Theo mục tiêu đầu tư, quỹ mở có thể được chia thành loại chuyên đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu hoặc hỗn hợp các loại chứng khoán.

֎ Quỹ cổ phiếu (Equity Funds): Quỹ cổ phiếu có danh mục thuần là cổ phiếu phát hành bởi các công ty đại chúng. Ưu điểm của nó là mức độ sinh lời cao, đặc biệt ở thời điểm thị trường đang bước vào chu kỳ tăng giá. Mặc dù vậy, điểm yếu của nó là ẩn chứa nhiều rủi ro nếu không có chiến lược đúng đắn và hiểu biết về thị trường.

Ví dụ về quỹ cổ phiếu có thể kể đến Quỹ Đầu tư cổ phiếu Techcom (TCEF), thành lập và điều hành bởi Công ty Quản lý quỹ Kỹ thương (Techcom Capital). Danh mục chính của quỹ này là các cổ phiếu thuộc nhóm VN30 trên sàn giao dịch HOSE, nơi tập hợp các mã chứng khoán cóvốn hóa lớn và có thanh khoản dồi dào nhất Việt Nam.

 

֎ Quỹ trái phiếu (Bond Funds): Quỹ trái phiếu phân bổ vốn thuần vào trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi hoặc các loại chứng khoán nợ khác. Quỹ này nhằm mục đích cung cấp dòng tiền đều đặn cho khách hàng với mức độ an toàn cao. 

Ví dụ về quỹ trái phiếu có thể kể đến Quỹ đầu tư trái phiếu SSIBF (Sai Gon Securities Incorporation Bond Fund), được quản lý bởi Sai Gon Securities Incorporation (SSI). Quỹ SSIBF chuyên rót vốn vào trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam với tiềm năng tăng trưởng tích cực và chất lượng nợ tốt. 

 

֎ Quỹ cân bằng (Balanced Funds): Quỹ cân bằng có danh mục cân đối giữa cổ phiếu và trái phiếu nhằm hướng đến lợi nhuận tăng trưởng nhanh nhưng vẫn đi kèm sự ổn định và an toàn.

 

Ví dụ có thể kể đến Quỹ Đầu tư Cân bằng Bản Việt (VCAMBF) được quản lý bởi Viet Capital Asset Management, hiện phân phối tài sản theo một tỷ lệ phù hợp vào cả cổ phiếu và trái phiếu để thu về lợi nhuận với mức độ rủi ro trung bình.

 

֎ Quỹ thị trường tiền tệ (Money Market Fund): Khẩu vị của quỹ này là các chứng khoán nợ rủi ro thấp như chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu kho bạc và thương phiếu, nhằm mục đích thu về lợi nhuận lớn hơn so với gửi tiết kiệm nhưng vẫn duy trì được tính thanh khoản cao.

 

Quỹ thị trường tiền tệ có thể được nhìn nhận rủi ro thấp do nhắm đến các chứng khoán nợ ngắn hạn và chất lượng tín dụng cao. Một ví dụ về loại quỹ này là Money Market Vanguard Prime Fund (VMMXX) tại Mỹ.

 

Thêm vào đó, quỹ mở còn có thể được phân loại theo khu vực hoặc nhiều hình thức khác, cụ thể như:

 

֎ Quỹ quốc tế (International Fund):Quỹ này rót vốn vào những doanh nghiệp nằm ngoài quốc gia của nhà đầu tư, nhằm cung cấp khả năng tiếp cận với chứng khoán quốc tế và đa dạng hóa danh mục. Các quỹ quốc tế có nhiều loại hình với những khẩu vị linh hoạt, chẳng hạn là tập trung vào thị trường phát triển nhanh, thị trường mới nổi và một số khu vực đặc thù. Các quỹ này cũng đầu tư đa dạng vào nhiều loại tài sản, có thể kể tới như cổ phiếu, trái phiếu hoặc cả hai.

Một ví dụ về quỹ quốc tế là T. Rowe Price International Discovery Fund, được điều hành bởi công ty T. Rowe Price và chủ yếu rót vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các thị trường phát triển và mới nổi bên ngoài Mỹ.

 

֎ Quỹ ngành (Sector Fund): Quỹ ngành có danh mục đầu tư nhắm đến các công ty hoạt động trong các ngành đặc thù như công nghệ, chăm sóc sức khỏe, năng lượng hoặc bất động sản. Quỹ ngành có thể biến động hơn các loại quỹ khác vì chúng chỉ xoay quanh một ngành cụ thể và dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động của thị trường hoặc hành lang pháp lý.

 

Một ví dụ về quỹ ngành là Fidelity Select Technology Portfolio (FSPTX), đầu tư chủ yếu vào các doanh nghiệp công nghệ như Apple, Microsoft và Facebook, nhằm mục tiêu hưởng lợi từ sự đổi mới, tiến bộ và sử dụng công nghệ.

 

֎ Quỹ chỉ số (Index Fund): Quỹ chỉ số mô phỏng theo một chỉ số chứng khoán như S&P 500 hoặc NASDAQ Composite, nhằm mục đích sao chép hiệu suất của chỉ số qua việc rót vốn vào cùng loại cổ phiếu hoặc chứng khoán theo tỷ lệ tương tự. Các quỹ chỉ số thường ít tốn kém hơn vì chúng được quản lý thụ động và không yêu cầu sự phân tích lựa chọn từng loại chứng khoán.

 

Một ví dụ về quỹ chỉ số là Vanguard 500 Index Fund (VFIAX), theo dõi hiệu suất của chỉ số S&P 500, bao gồm 500 cổ phiếu vốn hóa lớn của Mỹ.

 

 

3. Ưu điểm của Quỹ mở


✔️Sự đa dạng: 
Điểm mạnh chính của quỹ mở là danh mục đầu tư phong phú. Khi phân bổ vốn vào nhiều loại tài sản, chẳng hạn như cổ phiếu, trái phiếu và các chứng khoán khác, danh mục của quỹ sẽ luôn đa dạng, tạo điều kiện giảm thiểu nguy cơ thua lỗ do rủi ro đã được giảm thiểu. Đặc tính này giúp những khách hàng hạn chế về kiến thức và không có thời gian để tìm tòi về thị trường.

 

✔️Tính thanh khoản: Quỹ mở thường có tính thanh khoản cao, nghĩa là người tham gia có thể dễ dàng mua và bán chứng chỉ quỹ mà không phải lo về khả năng không có bên đối ứng. Điều này có được do trách nhiệm của nhà quản lý phải là phải mua lại chứng chỉ quỹ ở mọi thời điểm. Do đó, khách hàng sẽ được hưởng lợi khi cần quy đổi chứng chỉ quỹ thành tiền mặt trong thời gian ngắn hoặc muốn tận dụng các cơ hội giao dịch ngắn hạn.

 

✔️Quản lý chuyên nghiệp: Điểm cộng của quỹ mở là chúng được quản trị bởi đội ngũ chuyên gia trong ngành, những người sẽ đưa ra quyết định thay khách hàng. Điều này hữu ích cho các nhà đầu tư non kinh nghiệm, ít kiến thức hoặc thiếu nguồn lực để kiểm soát tài sản của chính họ.

 

✔️Tính linh hoạt: Quỹ mở tạo ra cho khách hàng mức độ linh hoạt cao về số vốn, tần suất và thời gian đầu tư. Đối tượng tham gia có quyền lựa chọn bỏ vốn nhiều hay ít, hoặc bổ sung thêm, rút tiền bất kỳ thời điểm nào. Sự linh hoạt này mang lại sự tiện lợi với những người có số vốn nhỏ hoặc muốn điều chỉnh chiến lược đầu tư của họ theo thời gian.

 

Tại Việt Nam, một số quỹ mở chỉ yêu cầu mức đầu tư tối thiểu là 1 triệu VND nhằm tạo cơ hội cho mọi nhà đầu tư cá nhân chưa có tài chính dồi dào cũng có thể bắt đầu với loại hình đầu tư tài chính này.

✔️Minh bạch: Tính minh bạch là một thuộc tính quan trọng của quỹ mở. Các quỹ này được yêu cầu công bố thông tin chi tiết và định kỳ về danh mục đầu tư, hiệu suất, chi phí và các số liệu quan trọng khác. Thông tin này thường được công bố dưới dạng bản cáo bạch và báo cáo định kỳ trên website của nhà quản lý quỹ. 

 

Mở Tài Khoản Demo Mở Tài Khoản Thật 

 

 

4. Nhược điểm của quỹ mở


Mặc dù các quỹ mở có một số lợi thế nhưng chúng cũng ẩn chứa nhiều hạn chế mà nhà đầu tư cần lưu ý.

⭕Rủi ro mua lại: 

Một trong những nhược điểm đáng chú ý nhất của quỹ mở là rủi ro mua lại. Do khách hàng có thể quy đổi chứng chỉ quỹ bất cứ lúc nào, nhà quản lý quỹ thường xuyên phải nắm giữ một mức tiền mặt nhất định phòng khi có sự thay đổi nhu cầu. Đây có thể là thách thức trong thời điểm thị trường khó khăn hoặc hàng loạt khách hàng tìm cách bán lại chứng chỉ quỹ cùng lúc. 

Ở những trường hợp như vậy, nhà quản lý quỹ sẽ buộc phải bán tài sản trong quỹ để có tiền quy đổi lại cho nhà đầu tư, điều sẽ khiến NAV của quỹ sụt giảm, tức là gây tác động tiêu cực vào giá trị của chứng chỉ quỹ.


Ví dụ: Vào cuối năm 2022, thời gian thị trường tài chính Việt Nam đang lao đao do những vụ tai tiếng liên quan tới trái phiếu doanh nghiệp, hàng loạt nhà đầu tư cảm thấy lo ngại đã đồng loạt yêu cầu Quỹ Trái phiếu Techcom (TCBF) mua lại chứng chỉ quỹ của mình, vượt quá lượng tiền mặt có sẵn trong quỹ. Điều này buộc nhà quản lý quỹ phải bán bớt trái phiếu với mức chiết khấu cao để bù đắp thanh khoản.

Tuy nhiên, việc bán trái phiếu với chiết khấu cao khiến NAV của toàn quỹ giảm mạnh, tức là giá của chứng chỉ quỹ TCBF cũng giảm mạnh. Điều này lại càng gây bức bối cho những người nắm giữ và thôi thúc họ thanh lý chứng chỉ quỹ của mình, từ đó tạo ra vòng lặp, khiến NAV và giá trị chứng chỉ quỹ tiếp tục sụt giảm.

 

Biểu đồ giá chứng chỉ quý TCBF, qua đó cho thấy sự lao dốc mạnh vào cuối năm 2022

Biểu đồ giá chứng chỉ quý TCBF, qua đó cho thấy sự lao dốc mạnh vào cuối năm 2022 (Nguồn TCBS)

 

⭕Phí dịch vụ cao

 

Một nhược điểm tiềm ẩn khác của quỹ mở là chi phí dịch vụ. Các quỹ này thường tính phí quản lý tương đối cao so với các lựa chọn đầu tư thay thế, bên cạnh đó là nhiều loại phí khác, chẳng hạn như phí hành chính, phí tiếp thị và phí giao dịch. Những loại phí này có thể ăn vào lợi nhuận của khoản đầu tư.

 

Ngoài ra, các quỹ cũng thường đặt ra phí mua lại theo hướng, nếu nhà đầu tư bán lại càng sớm, mức phí sẽ càng cao và ngược lại, nhằm khuyến khích nắm giữ lâu dài chứng chỉ quỹ trong lâu dài.

 

Ví dụ: Quỹ Đầu tư Cổ phiếu Tiếp cận Thị trường Việt Nam (VESAF) có mức phí quản lý là 1.75%/năm và được thu theo hàng tháng. Nhà đầu tư sẽ không mất phí khi mua, tuy nhiên, phí cho việc bán chứng chỉ quỹ sẽ phụ thuộc vào thời gian nắm giữ, cụ thể phí là 2% nếu nắm giữ dưới 1 năm; 1.5% nếu nắm giữ từ 1 – 2 năm và 0.5% sau khi nắm giữ trên 2 năm.

 

⭕Không có quyền kiểm soát

 

Một bất lợi khác với người tham gia quỹ mở là họ sẽ không có tiếng nói trong lựa chọn danh mục của quỹ. Mặc dù nhà đầu tư tự do lựa chọn quỹ, tuy nhiên, họ không có quyền thay đổi các tài sản mà quỹ sẽ mua. Do đó, việc hiểu được khẩu vị rủi ro của quỹ là vô cùng thiết yếu để tìm ra loại quỹ phù hợp với mục tiêu đầu tư của mình.

 

⭕Hiệu suất trung bình

Cuối cùng, các quỹ mở không phải luôn đầu tư có lãi, mà nó hoàn toàn có thể thua lỗ, thậm chí không bằng nhiều lựa chọn đầu tư khác. Thông thường, các quỹ mở sẽ điều chỉnh chiến lược để mang lại hiệu suất trung bình và có lợi nhuận ổn định trong dài hạn. Do đó, nó sẽ không phải là sự lựa chọn tuyệt vời với những nhà đầu tư yêu thích lướt sóng hoặc nhắm đến các tài sản rủi ro để thu về lợi nhuận trong ngắn hạn.

 

 

5. Lựa chọn quỹ mở cần lưu ý điểm gì?Ai sẽ phù hợp với loại hình Quỹ mở

 

☼ Mục tiêu đầu tư

 

Đầu tiên, nhà đầu tư nên hiểu rõ mục tiêu của mình, đề ra mức lợi nhuận kỳ vọng và thời gian để đạt được con số này. Đây sẽ là nền tảng giúp họ lựa chọn đúng loại quỹ thích hợp với khẩu vị của mình.

 

Nếu nhà đầu tư nhằm vào lợi nhuận trong dài hạn, họ có thể xem xét các quỹ mở có danh mục cổ phiếu có nền tảng tốt, hoạt động ở những ngành nghề có khả năng tăng trưởng mạnh. Mặt khác, nếu nhà đầu tư hướng tới dòng tiền về đều đặn, họ có thể suy nghĩ đến đầu tư vào quỹ mang tới thu nhập ổn định nhờ danh mục phần lớn là trái phiếu và chứng khoán nợ khác.

 

☼ Khả năng chịu đựng rủi ro

 

Người tham gia cần đề ra mức độ rủi ro trước khi mua chứng chỉ quỹ. Độ rủi ro của quỹ sẽ xác định dựa theo kiểu tài sản mà nó đang sở hữu trong danh mục. Nguyên tắc cơ bản là lợi nhuận càng cao sẽ đi kèm rủi ro lớn và ngược lại.

Nếu khách hàng có khẩu vị rủi ro thấp, họ có thể cân nhắc mua chứng chỉ quỹ trái phiếu hoặc quỹ cân bằng, với danh mục hỗn hợp cổ phiếu và chứng khoán khác. Trái lại, nếu người tham gia sẵn sàng mức rủi ro cao, họ nên lựa chọn rót vốn vào quỹ cổ phiếu với mức độ biến động giá mạnh.

 

☼ Hiệu suất đầu tư của quỹ

 

Khi đưa tiền cho người khác đem đi đầu tư, điều tất yếu cần làm là đảm bảo người đó có thể tin tưởng được. Việc xem xét về công ty quản lý quỹ có thể bao gồm uy tín của nhà quản lý, lợi nhuận của quỹ trong quá khứ và cách nó vận hành trong nhiều điều kiện thị trường. Đây sẽ là nền tảng để nhận định xem quỹ có phù hợp với tiêu chí đầu tư mà mình đã đặt ra hay không.

 

Nếu quỹ liên tục mang lại lợi nhuận cao trong vòng 5 năm gần nhất, ngay cả trong thời kỳ thị trường suy thoái, điều này phần nào chứng minh quỹ đó được điều hành tốt và có chiến lược hiệu quả. Do đó, nhà đầu tư nên nhìn theo khung thời gian dài khi đánh giá về hiệu suất của một quỹ mở nhằm có được nhận xét chính xác và khách quan nhất.

 

☼ Các loại phí dịch vụ

 

Khi mua chứng chỉ quỹ, nhà đầu tư phải trả hàng loạt loại phí bao gồm phí quản lý, phí mua lại và các chi phí khác. Những khoản phí này sẽ ảnh hưởng tiêu cực vào lợi nhuận của nhà đầu tư, vì vậy cần đảm bảo mức phí nhà quản lý quỹ đưa ra là có thể chấp nhận. Nếu nhà đầu tư đang xem xét hai quỹ có khẩu vị và hiệu suất tương tự nhau, nhưng một quỹ có phí cao hơn, họ nên chọn quỹ có phí thấp hơn để tối đa hóa lợi nhuận.

 

☼ Đa dạng hóa

 

Cho dù quỹ mở mang đến sự phong phú về danh mục tài sản, nhà đầu tư cũng không nên chỉ tập trung vào phương tiện đầu tư này mà nên suy nghĩ đến cả những loại hình khác. Nhà đầu tư có thể phân bổ vốn vào một quỹ hỗn hợp cổ phiếu, chứng khoán nợ, cùng với đó là các loại tài sản thay thế khác như bất động sản hoặc hàng hóa, để đa dạng hóa danh mục. Điều này giúp hỗ trợ phân tán rủi ro và giảm ảnh hưởng của biến động thị trường đối với tổng tài sản.

 

Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là ai sẽ phù hợp với loại hình đầu tư Quỹ mở?

– Quỹ mở dành cho nhà đầu tư không có nhiều thời gian và kiến thức về đầu tư: Quỹ mở được quản lý bởi các chuyên gia đầu tư chuyên nghiệp, do đó, các chuyên gia này sẽ thực hiện các công việc lựa chọn cổ phiếu, giúp người góp vốn vào Quỹ tiết kiệm thời gian và công sức.

 

– Nhà đầu tư muốn đa dạng hóa danh mục, do Quỹ mở thường đầu tư vào nhiều loại chứng khoán khác nhau như cổ phiếu, trái phiếu. Điều này giúp giảm thiểu rủi ro cho danh mục đầu tư nói chung.

– Nhà đầu tư muốn đầu tư dài hạn: Thông thường, loại hình Quỹ mở được thiết kế để đầu tư dài hạn. Lịch sử cho thấy, đầu tư dài hạn vào Quỹ mở thường đem lại lợi nhuận cao hơn so với nhà đầu tư ngắn hạn.

– Nhà đầu tư muốn tham gia thị trường với số vốn nhỏ và hưởng lợi nhuận đều đặn.

 

6. Quỹ mở so sánh với các phương tiện đầu tư khác


• So sánh với quỹ đóng

 

 Sự tương đồng:

Cả hai loại quỹ đều được điều hành bởi những nhà quản lý quỹ chuyên nghiệp, những người sở hữu chuyên môn để lựa chọn chứng khoán đáp ứng mục tiêu đầu tư cụ thể. Bên cạnh đó, chúng đều cung cấp cho khách hàng một danh mục chứng khoán đa dạng, giúp hạn chế rủi ro khi bước chân vào thị trường.

 

 Sự khác biệt:

 

Quỹ mở

Quỹ đóng

Nguyên tắc hoạt động

Quỹ mở phát hành và mua lại cổ phiếu chứng chỉ quỹ tùy theo nhu cầu của nhà đầu tư

Quỹ đóng phát hành một số lượng chứng chỉ quỹ cố định trong đợt chào bán lần đầu và không mua lại các cổ phiếu đó cho đến khi quỹ được thanh lý

Giá

Giá chứng chỉ quỹ được xác định bởi bằng việc lấy trị tài sản ròng (NAV) chia cho số lượng chứng chỉ quỹ đang lưu hành. Mức giá giao dịch này thay đổi theo ngày do NAV biến động theo giá trị của tài sản trong danh mục

Giá chứng chỉ quỹ đóng được xác định bởi yếu tố cung và cầu và có thể giao dịch với giá cao hơn hoặc chiết khấu so với mức giá phát hành ban đầu.

Tính thanh khoản

Chứng chỉ quỹ mở có tính thanh khoản cao hơn các quỹ đóng vì chúng được phép mua và bán hàng ngày.

Quỹ đóng có thể ít thanh khoản hơn, vì có một số lượng hạn chế chứng chỉ quỹ đang lưu hành và chúng không được mua lại bởi nhà phát hành cho đến khi quỹ được thanh lý. Tuy nhiên, quỹ đóng lại được phép giao dịch trên thị trường thứ cấp.

Lệ phí

Quỹ mở thường tính phí cao hơn quỹ đóng do yêu cầu quản lý thường xuyên hơn để xử lý việc mua và bán cổ phiếu

Các quỹ đóng có phí thấp hơn vì yêu cầu quản lý ít hơn.

Chiến lược đầu tư

Quỹ mở thường có chiến lược đầu tư thận trọng do nó thiết kế để mang lại thu nhập và tăng trưởng dài hạn

Quỹ đóng được thiết kế để tận dụng các xu hướng thị trường ngắn hạn

(Nguồn: Được sắp xếp bởi Mitrade)

 

• So sánh với tự đầu tư chứng khoán 

Đầu tư vào quỹ mở và tự đầu tư là hai cách tiếp cận khác nhau với chứng khoán. Mặc dù cả hai cách tiếp cận có một số điểm giống nhau, tuy nhiên, chúng cũng có những điểm khác biệt đáng kể. Nắm rõ những điểm giống và khác này là rất cần thiết đối với những người đang tìm kiếm cách thức đầu tư thông minh.

 

 Sự tương đồng:

Cả quỹ mở và tự đầu tư đều yêu cầu sự tìm hiểu kỹ càng và phân tích để đưa ra quyết định sáng suốt. Khách hàng của quỹ mở tin tưởng vào chuyên môn của công ty quản lý quỹ trong việc chọn lựa loại chứng khoán. Tuy nhiên, họ vẫn nghiên cứu về nhà quản lý quỹ và chiến lược đầu tư của công ty đó. Tương tự như vậy, những nhà đầu tư riêng lẻ cũng cần nghiên cứu và phân tích để quyết định nên mua loại chứng khoán nào.

 

Ngoài ra, cho dù là tự đầu tư hay thực hiện qua quỹ mở, nhà đầu tư vẫn phải tuân thủ quy luật về rủi ro và lợi nhuận. Lợi nhuận cho cả hai phương thức đầu tư đều có thể rất cao, tùy thuộc vào độ rủi ro của loại tài sản nắm giữ.

 

 Sự khác biệt

 

Quỹ mở

Tự đầu tư

Quản lý

Quỹ mở được điều hành bởi đội ngũ chuyên gia, những người đưa ra quyết định thay cho các cổ đông của quỹ.

Nhà đầu tư phải tự ra quyết định dựa theo sự phân tích và kiến thức về thị trường.

Danh mục

Các quỹ mở mang tới sự phong phú về loại chứng khoán, điều sẽ phân tán rủi ro và giảm tác động của bất kỳ loại chứng khoán đơn lẻ nào đối với danh mục đầu tư.

Về lý thuyết, nhà đầu tư có thể tự phân bổ vốn đền nhiều tài sản khác nhau. Mặc dù vậy, trong thực tế, chỉ một số ít nhà đầu tư phân bổ được ra nhiều loại tài sản như danh mục của quỹ mở, tức là số lượng sẽ không đa dạng bằng.

Thanh khoản

Các quỹ mở chính là bên cung cấp thanh khoản cho chứng chỉ quỹ. Khách hàng có thể quy đổi cổ phần trong quỹ bất cứ lúc nào

Đối với nhà đầu tư riêng lẻ, khả năng thanh khoản tuân theo quy luật cung cầu trên thị trường.

Chi phí quản lý

Quỹ mở tính phí quản lý và các chi phí khác, điều này có thể làm giảm lợi tức đầu tư tổng thể.

Việc tự đầu tư có thể bao gồm phí thấp hơn hoặc không mất phí, tùy thuộc vào loại chứng khoán cụ thể. Tuy nhiên, tự đầu tư cũng có thể đi kèm chi phí khác như phí môi giới, chi phí nghiên cứu và phí giao dịch.

(Nguồn: Được sắp xếp bởi Mitrade)

 

7. Cách đầu tư vào quỹ mở hiệu quả nhất. Làm thế nào để đầu tư quỹ mở tại Việt Nam?


• 
Cách đầu tư vào quỹ mở hiệu quả nhất:

Xác định mục tiêu đầu tư: Mục tiêu đầu tư là yếu tố quan trọng nhất quyết định loại quỹ mở nên lựa chọn. Nhà đầu tư muốn kiếm lợi nhuận ngắn hạn nên chọn quỹ mở có mức độ biến động cao và ngược lại.

Đánh giá khả năng chấp nhận rủi ro: Nhà đầu tư có mức độ chấp nhận rủi ro lớn có thể lựa chọn các quỹ mở có thống kê hiệu quả giao dịch tốt, khả năng sinh lời cao và biến động hơn các quỹ chỉ đầu tư vào các cổ phiếu truyền thống. Ngược lại, với nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro thấp có thể tìm đến các quỹ mở trái phiếu hoặc quỹ mở thị trường tiền tệ.

Lựa chọn loại hình quỹ mở phù hợp: Bao gồm các tiêu chí như hiệu suất hoạt động trong quá khứ, phí và chi phí, nhà quản lý quỹ, các điều khoản đi kèm.

Đầu tư định kỳ: Nhà đầu tư được khuyến nghị nên dành một khoản nhất định vào quỹ mở mỗi tháng hoặc mỗi quý, qua đó giúp bình quân giá mua và tăng lợi nhuận đầu tư.

Kiên nhẫn: Do quỹ mở là khoản đầu tư dài hạn, do đó nhà đầu tư nên kiên nhẫn và không nên bán ra khi cổ phiếu quỹ của thị trường biến động.

Luôn theo dõi sát sao hiệu quả hoạt động của quỹ.


• Các cách mua chứng chỉ quỹ mở ở Việt Nam

◆ Mua trực tiếp từ nhà quản lý quỹ: Nhà đầu tư có thể mua chứng chỉ quỹ mở trực tiếp từ nhà quản lý quỹ thông qua website hoặc ứng dụng của họ. Điều này đòi hỏi nhà đầu tư phải mở tài khoản đầu tư trực tuyến và cung cấp các thông tin cùng giấy tờ cần thiết.

◆ Mua thông qua công ty chứng khoán: Các công ty chứng khoán có thể là bên phân phối, môi giới các chứng chỉ quỹ mở hoặc đóng vai trò như chính một nhà quản lý quỹ. Việc mua chứng chỉ quỹ từ công ty chứng khoán cũng rất đơn giản khi nó có thể thực hiện trực tiếp tại quầy hoặc qua ứng dụng trên điện thoại.

 

◆ Mua thông qua website/ứng dụng đầu tư của bên thứ ba: Một số ứng dụng đầu tư đóng vai trò là bên cung cấp dịch vụ đầu tư vào các chứng chỉ quỹ mở như Finhay, Fmarket và Topi… Những ứng dụng này được coi như một bên phân phối chứng chỉ quỹ nhằm giúp nhà đầu tư thuận lợi hơn trong giao dịch.

• Một số quỹ mở đáng tin cậy tại Việt Nam

Tại Việt Nam, hiện nay đang có sự hiện diện của hàng trăm loại quỹ mở khác nhau được quản lý bởi rất nhiều nhà quản lý có uy tín và danh tiếng trên thị trường. Như đã đề cập ở trên, việc lựa chọn quỹ mở quan trọng nhất là phải xác định mục đích đầu tư, do đó, sẽ không có quỹ mở nào là hoàn toàn ưu việt hơn số còn lại trên thị trường. Dưới đây là một số quỹ mở được coi là uy tín và an toàn đang hoạt động tại Việt Nam.

 Quỹ Đầu Tư Cổ Phiếu Hàng Đầu VCBF (VCBF-BCF): Quỹ mở này được thành lập vào năm 2014 bởi VCBF, vốn là nhà quản lý quỹ uy tín hàng đầu Việt Nam hiện nay. Tính đến tháng 4/2023, NAV của VCBF-BCF là 346 tỷ đồng.

 

Danh mục của VCBF-BCF là top 100 cổ phiếu blue-chip vốn hóa cao và thanh khoản dồi dào trên hai sàn giao dịch chứng khoán HOSE và HNX. Trong năm 2022, quỹ hứng chịu sự thua lỗ lên tới âm 18.08%, tuy nhiên, nếu xét trung bình qua các năm thì quỹ này luôn duy trì mức tăng trưởng hai con số.

 

2014

2015

2016

2017

2018

2019

2020

2021

2022

Lợi nhuận năm (%)

-3.5

23.37

18.36

37.4

-8,27

3

16.7

38

-18

Lợi nhuận trung bình năm (%)

 -3.5

 13.07

 15.6

 21.7

 14

 11.9

 12.7

15.8

11.1

Bảng hiệu suất đầu tư quỹ VCBF-BCF kể từ khi thành lập (Nguồn VCBF)

 

◆ Quỹ Đầu Tư Cân Bằng Tuệ Sáng VinaCapital (VINACAPITAL-VIBF): VINACAPITAL-VIBF là một quỹ cân bằng được thành lập vào năm 2019 bởi nhà quản lý quỹ uy tín bậc nhất Việt Nam VinaCapital. Quỹ rót vốn vào những cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng mạnh, đồng thời với đó là trái phiếu và tiền gửi ngân hàng để cân bằng rủi ro. Hiện NAV của quỹ vào khoảng 450 tỷ đồng.

 

2019

2020

2021

2022

Lợi nhuận năm (%)

11.5

12.7

35.22

– 10.5

Lợi nhuận trung bình năm (%)

11.5

 12.1

 19.8

 12.23

 Bảng hiệu suất đầu tư quỹ VINACAPITAL-VIBF kể từ khi thành lập (Nguồn: VinaCapital)

 

◆ Quỹ Đầu Tư Trái Phiếu Bảo Thịnh VinaCapital (VINACAPITAL-VFF): Quỹ trái phiếu VINACAPITAL-VFF chuyên đầu tư vào các loại trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi nhằm mang đến sự gia tăng giá trị một cách ổn định. Được thành lập từ năm 2016, hiện NAV của quỹ đạt 700 tỷ.

 

 

2016

2017

2018

2019

2020

2021

2022

Lợi nhuận năm (%)

6.7

9.0

9.9

7.9

5.67

7.72

8.0

 Bảng hiệu suất đầu tư quỹ VINACAPITAL-VFF kể từ khi thành lập (Nguồn: VinaCapital)

 

8.Kết luận

 

Tóm lại, quỹ mở là phương tiện đầu tư đáng để lưu tâm do nó có rất nhiều lợi íchnhư mang đến sự đa dạng về danh mục đầu tư, sự quản trị chuyên nghiệp, cũng như khả năng thanh khoản cao. Mặc dù vậy, phương tiện đầu tư này cũng có nhiều hạn chế như chi phí dịch vụ cao, hiệu suất đầu tư thường ở mức trung bình. 

Do đó, hình thức này sẽ phù hợp nhất với những nhà đầu tư dài hạn, cần có dòng tiền thu nhập ổn định, đồng thời không có nhiều thời gian và kinh nghiệm trong việc lựa chọn tài sản đầu tư. Trước khi xuống tiền vào chứng chỉ quỹ, nhà đầu tư cũng nên cân nhắc kỹ lưỡng nhiều yếu tố như chi phí, hiệu suất và uy tín của nhà quản lý quỹ nhằm đảm bảo có được lợi nhuận như kỳ vọng.

03 bước đơn giản để giao dịch toàn cầu với 50.000 vốn ảo miễn phí
1
ĐĂNG KÝ
Điền thông tin cá nhân vào biểu mẫu đăng ký
2
NẠP TIỀN
Nap vốn vào tài khoản giao dịch, tối thiểu là $50
3
GIAO DỊCH
Tìm kiếm cơ hội giao dịch và đặt lệnh mua bán
bannerBg

 

Khám phá thêm​

03 bước đơn giản để giao dịch toàn cầu với 50.000 vốn ảo miễn phí