Giao dịch dựa vào biến động của giá cà phê là một hoạt động đầy thách thức nhưng cũng rất thú vị. Bên cạnh việc là đồ uống thịnh hành trên toàn thế giới, cà phê cũng giữ vai trò là một loại hàng hóa được trao đổi nhiều trên thị trường tài chính, trong đó biến động giá của nó bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi nhiều yếu tố như thời tiết, vụ mùa, sản lượng và sức tiêu thụ toàn cầu.
Qua bài viết này, chúng ta sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng hơn về cách giao dịch cà phê như một sản phẩm tài chính, từ những nhân tố tác động cơ bản, lợi ích và rủi ro, cùng những chiến lược thông minh để gặt hái được nhiều lợi nhuận với nó.
Xem biểu đồ giá cà phê mới nhất trên Mitrade
Giao Dịch Ngay > >
1. Giao dịch cà phê là gì?
֎ Giới thiệu về giao dịch cà phê
Giao dịch cà phê là hoạt động mua đi bán lại các hợp đồng tương lai, hợp đồng chênh lệch hoặc quyền chọn liên quan đến giá cà phê, mục tiêu chính là tận dụng biến động giá của cà phê để kiếm lời hoặc để bảo hiểm rủi ro.
Cà phê nằm trong nhóm các mặt hàng nông nghiệp thường xuyên được giao dịch như đường, trái cây, ca cao. Những hàng hóa này có đặc điểm chung là dễ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau như tương quan cung cầu, thời tiết, mùa vụ; do đó, giá có thể chạy theo xu hướng rất khó lường.
Sự thịnh hành và tính thanh khoản cao của cà phê khiến cho nó được ưa thích giao dịch bởi nhiều đối tượng. Tuy nhiên, giao dịch hàng hóa nông nghiệp cũng tiềm ẩn vô số nguy cơ do sự biến động mạnh có thể khiến nhà giao dịch hứng chịu tổn thất nặng nề. Để tham gia thị trường một cách có hiệu quả, nhà đầu tư cần nắm bắt đầy đủ kiến thức, thông tin thời sự và những tác nhân có thể tác động lên giá cà phê.
֎ Tổng quan về thị trường cà phê
Hoạt động giao thương cà phê là một phần thiết yếu trong nền kinh tế thế giới, giúp tăng nguồn thu nhập cho nhiều quốc gia và tạo ra cơ hội kinh doanh rộng rãi. Brazil là quốc gia cung cấp cà phê nhiều nhất trên thế giới, đóng góp khoảng một phần ba tổng sản lượng. Việt Nam nằm ở vị trí thứ hai, tập trung chủ yếu vào xuất khẩu cà phê Robusta. Colombia và Ethiopia cũng đóng góp một lượng đáng kể, trong đó phần nhiều là cà phê Arabica.
Châu Âu và Bắc Mỹ là các khu vực có lượng tiêu thụ cà phê nhiều nhất. Thị trường giao dịch cà phê có giá trị khoảng 127 tỷ USD vào trong năm 2023 và được dự phóng có tốc độ tăng trưởng kép mỗi năm khoảng 4,72% để đạt được 183,67 tỷ USD vào năm 2030.
֎ Các loại cà phê có thể giao dịch
Arabica và Robusta là hai giống cà phê chính thường được trao đổi trên thị trường với mỗi loại đều có đặc điểm riêng và biến động giá khác nhau.
Cà phê Arabica thường có lượng caffeine chỉ khoảng 1 – 2% do đó nó sẽ chỉ có vị đắng vừa phải và dịu nhẹ. Giống cà phê này rất thích hợp để trồng ở các vùng đất cao, nơi có nhiệt độ mát mẻ và nhiều mưa. Arabica chiếm phần lớn thị trường cà phê cao cấp và thường có giá cao hơn do quá trình sản xuất khá khó khăn và giới hạn vùng trồng. Nó thường có ký hiệu C COFFEE trên các sàn giao dịch hàng hóa hỗ trợ quyền chọn hoặc hợp đồng tương lai.
Trong khi đó, cà phê Robusta thường có hương vị đậm và đắng hơn do chứa lượng caffeine lên tới 2 – 4%. Robusta thích nghi tốt với các vùng đất có độ cao vừa phải và khí hậu nhiệt đới. Yếu tố này khiến nó trở thành giống cây thích hợp để làm ra cà phê hòa tan hoặc những sản phẩm công nghiệp khác. Robusta thường có ký hiệu RC COFFEE trên các sàn giao dịch.
2. Lợi ích và rủi ro khi giao dịch cà phê
Giao dịch cà phê trên thị trường tài chính mang đến nhiều cơ hội kiếm lợi nhuận đáng kể cho nhà đầu tư, nhưng đi kèm cũng là những rủi ro cần cẩn trọng cao độ.
•Lợi ích
✔️ Thanh khoản lớn: Nguồn thanh khoản dồi dào là điểm mạnh của thị trường cà phê. Nhờ vào sự góp mặt của nhiều tổ chức và nhà đầu tư lớn, các hợp đồng tương lai và quyền chọn cà phê dễ dàng giao dịch với chênh lệch giá thấp và khối lượng lớn. Điều này góp phần giúp lệnh mua hoặc bán được khớp với tốc độ nhanh và thuận tiện, giúp thị trường diễn ra xuyên suốt và mượt mà.
✔️ Nhiều lựa chọn tiếp cận: Thị trường cà phê có sẵn nhiều phương pháp để tiếp cận thị trường khác nhau. Nhà đầu tư có thể chọn hợp đồng tương lai, CFD hoặc quyền chọn, dựa theo kỳ vọng về lợi nhuận và khả năng chấp nhận rủi ro. Điều đó tạo ra sự linh hoạt, cho phép nhà đầu tư tùy chỉnh phương pháp giao dịch dựa vào tình hình thị trường và diễn biến nền kinh tế.
✔️ Nhiều cơ hội giao dịch: Cà phê là một mặt hàng chịu ảnh hưởng bởi nhiều khía cạnh khác nhau, do đó nó có sự biến động rất lớn. Sự biến đổi về nguồn cung, yếu tố thời tiết và tình hình kinh tế quốc tế khiến giá có sự lên xuống bất ngờ, tuy nhiên, đây cũng là cơ hội tuyệt vời cho những nhà giao dịch có khả năng tận dụng cơ hội.
• Rủi ro
⭕ Biến động tiền tệ: Cà phê được mua bán trên toàn cầu và giá của nó thường được tính bằng USD. Do đó, những thay đổi về sức mạnh của đồng USD có ảnh hưởng đáng kể tới giá cà phê. Sự tăng giá của đồng USD sẽ khiến suy yếu sức mua của những đồng tiền khác, khiến nhu cầu cà phê giảm và giá cà phê cũng giảm theo. Nhà giao dịch cần giám sát chặt chẽ biến động tiền tệ và ảnh hưởng tiềm ẩn của chúng đối với giao dịch cà phê.
⭕ Nhạy cảm với cung và cầu: Thị trường cà phê thường nhạy cảm với biến động của cung và cầu. Nếu các quốc gia xuất khẩu cà phê hàng đầu chứng kiếni tình trạng dư thừa sản lượng do thời tiết thuận lợi hoặc tăng diện tích cây trồng, tình trạng cung vượt cầu có thể diễn ra. Nguồn cung dư thừa này có thể dẫn đến tồn kho cà phê trên thị trường và sau đó làm giảm giá. Ngược lại, tình trạng thiếu nguồn cung có thể dẫn đến sự giá tăng đột biến.
⭕ Tác động bởi thời tiết: Hoạt động trồng cà phê bị tác động mạnh bởi diễn biến thời tiết và các kiểu khí hậu. Mọi sự biến động bất ngờ về thời tiết, chẳng hạn như hạn hán, lượng mưa hoặc nhiệt độ đều gây ra tác động đến năng suất thu hoạch và chất lượng cà phê. Tính chất dễ bị thời tiết tác động tạo ra rủi ro lớn khi giao dịch cà phê và khiến nhà đầu tư phải áp dụng chiến lược đặc biệt như giao dịch theo mùa vụ.
3. Yếu tố ảnh hưởng đến giá cà phê
Giá cà phê là một biến số khó lường, bị tác động phức tạp bởi nhiều tác nhân cả trong và ngoài ngành công nghiệp cà phê. Dưới đây đề cập đến một số tác nhân trọng yếu mà người đọc có thể tham khảo:
☼ Giá dầu mỏ: Giá dầu tác động mạnh mẽ đến chi phí sản xuất và vận chuyển của những công ty cà phê. Khi dầu tăng giá, chi phí vận chuyển cà phê cũng tăng lên, làm tăng chi phí tổng cộng của sản phẩm cà phê. Phần lớn những nước xuất khẩu cà phê nhiều nhất thế giới như Việt Nam và Brazil lại không phải là nơi tiêu thụ nhiều nhất, do đó, chi phí vận chuyển luôn có cấu phần lớn trong chi phí sản xuất nói chung.
☼ Tình hình địa chính trị: Những biến động địa chính trị tại các quốc gia xuất khẩu cà phê có thể tạo ra sự thay đổi khó lường về nguồn cung. Các sự kiện như xung đột, thay đổi chính sách hoặc sự mất ổn định trong môi trường kinh doanh sẽ tác động mạnh tới năng lực sản xuất cà phê và làm tăng giá.
☼ Biến động do tình hình kinh tế: Tình hình suy thoái kinh tế có thể khiến chi tiêu và sở thích của người tiêu dùng bị ảnh hưởng. Trong thời gian bất ổn này, người dân có thể cắt giảm chi tiêu với cả những loại hàng hóa như cà phê chất lượng cao. Nhu cầu giảm khiến giá cà phê thấp hơn và hạn chế cơ hội giao dịch. Do đó, diễn biến kinh tế thế giới có tác động không nhỏ tới sức tiêu thụ cà phê và tâm lý thị trường.
☼ Yếu tố mùa vụ và thời tiết: Mùa vụ và tình hình thời tiết có tác động đáng kể tới hoạt động sản xuất cà phê. Thời tiết xấu như hạn hán, mưa lớn hoặc bão sẽ khiến suy giảm sản lượng cà phê. Trong những năm qua, sự biến đổi khó lường của khí hậu và nhiệt độ môi trường ngày càng tăng đã làm năng suất cây trồng cũng gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến giá cà phê.
☼ Tình hình kinh doanh của các tổ chức bán lẻ lớn: Các tập đoàn hàng đầu như Nestle, Kraft, P&G và Sara Lee chiếm hơn một nửa mức độ tiêu thụ cà phê của thế giới. Mọi sự biến đổi trong nhu cầu của những tập đoàn này có thể khiến giá cà phê bị dao động theo.
☼ Sự phát triển của các sản phẩm thay thế: Sự xuất hiện và phổ biến của nhiều thức uống thay thế, chẳng hạn như nước tăng lực hoặc đồ uống có ga, có thể làm xáo trộn nhu cầu tiêu thụ cà phê. Sự chuyển đổi sở thích của người tiêu dùng từ cà phê sang các loại đồ uống khác có thể khiến nhu cầu và giá của nó đều giảm theo.
4. Các cách thức giao dịch cà phê phổ biến
Có nhiều cách để tiếp cận giao dịch cà phê trên thị trường hàng hóa. Dưới đây là một số kênh thịnh hành cho nhà đầu tư xem xét và sử dụng:
⭐️ Hợp đồng tương lai cà phê
Hợp đồng tương lai là thỏa thuận mua hoặc bán cà phê tại một thời điểm tương lai với giá định trước. Công cụ này giúp bảo vệ các doanh nghiệp và nhà đầu tư khỏi nguy cơ biến động thị trường, đồng thời cũng đóng vai trò như một cách để kiếm lợi nhuận từ chênh lệch giá.
Hợp đồng tương lai cà phê thường được giao dịch ở 3 sàn chính là NYMEX (Sàn giao dịch hàng hóa New York), CME (Chicago Mercantile Exchange), sàn ICE (Intercontinental Exchange). Đây là công cụ được các công ty sử dụng thường xuyên nếu muốn giảm thiểu rủi ro về giá trong tương lai. Tuy nhiên, loại giao dịch này đòi hỏi kinh nghiệm vì nó phức tạp hơn và yêu cầu nguồn vốn lớn khi tham gia.
⭐️ Quyền chọn cà phê
Quyền chọn cà phê cho phép một người có quyền nhưng không có nghĩa vụ mua hoặc bán cà phê tại một giá cố định trong tương lai. Người mua quyền chọn cần trả một khoản phí để giữ quyền. Các sàn giao dịch như CME và ICE đều cung cấp công cụ này, đồng thời nó có thể được tiếp cận bằng nhiều nền tảng môi giới như E*TRADE, TD Ameritrade, Interactive Brokers.
⭐️ ETN cà phê
ETN (Exchange-Traded Notes) cà phê là một công cụ nợ, qua đó người mua ETN sẽ nhận được lợi nhuận dựa trên hiệu suất của chỉ số cà phê mà ETN theo dõi. Người mua ETN không mua chứng chỉ quỹ, mà thực tế là nắm giữ một tài sản nợ từ người phát hành ETN. Hai ETN phổ biến với cà phê có thể kể đến là iPath Dow Jones – UBS Coffee ETN và iPath Pure Beta Coffee ETN.
⭐️ Cổ phiếu công ty cà phê
Nhà đầu tư có thể mua cổ phiếu của các công ty cà phê để có thể sở hữu cà phê một cách gián tiếp. Không có nhiều công ty đại chúng chuyên hoạt động trong lĩnh vực cà phê nhưng vẫn có một số nổi bật bao gồm Tata Coffee LTD (TCO.IN), Starbucks (SBUX) và J.M. Smucker (SJM). Ở Việt Nam, một số doanh nghiệp ngành cà phê đã lên sàn bao gồm CTCP Vinacafé Biên Hòa (VCF), CTCP Cà phê Gia Lai (FGL).
⭐️ CFD cà phê
CFD (Hợp đồng Chênh lệch) là một trong những phương pháp tiếp cận thuận tiện và dễ dàng nhất với biến động giá cà phê. Đây là một loại thỏa thuận giữa nhà môi giới và nhà giao dịch để dự đoán giá của hàng hóa trong tương lai. Lợi nhuận hay thua lỗ của giao dịch quyết định bởi giá mở và đóng hợp đồng CFD.
Bằng cách mua CFD, bạn không cần phải sở hữu tài sản cơ sở. Do đó, đầu tư vào CFD cà phê giúp tiết kiệm thời gian và kiếm lời theo cả hướng tăng và giảm của thị trường. Để giao dịch CFD cà phê, bạn có thể chọn những sàn giao dịch đáng tin cậy và thuận tiện cho sử dụng như Mitrade. Đây cũng được coi là cách khả thi nhất đối với những nhà giao dịch cá nhân tại Việt Nam.
5. Phân tích giá cà phê hiện tại và xu hướng tương lai
• Phân tích cơ bản
Theo dự báo mới nhất của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2023-2024 dự kiến đạt 178 triệu bao, tăng 5,8% so với niên vụ năm ngoái. Trong đó, cà phê Arabica dự kiến đạt 102,2 triệu bao, tăng 6,1% so với niêm vụ 2022-2023, còn cà phê Robusta dự kiến đạt 75,8 triệu bao, tăng 5,3%.
Lượng tiêu thụ cà phê trong niên vụ 2023-2024 dự kiến đạt 177 triệu bao, tăng 2,2% so với niên vụ 2022-2023. Nhu cầu tiêu thụ cà phê dự báo sẽ tiếp tục tăng do thu nhập người dân tăng và lợi ích về sức khỏe của cà phê cũng được nâng cao hơn.
Như vậy, ICO dự báo thị trường cà phê sẽ thặng dư nhẹ 1 triệu bao trong niên vụ năm nay.
● Phân tích kỹ thuật
Biểu đồ giá cà phê Robusta theo đơn vị USD/tấn (Nguồn: Tradingview)
Trên biểu đồ phân tích kĩ thuật khung 1D, giá cà phê Robusta đang ở trong một chu kỳ tăng khá mạnh mẽ kể từ đầu năm 2024 đến nay từ mức 2500 USD/ tấn lên mức 3855 USD/tấn – tương ứng mức tăng 55%.
Giá cà phê sau khi đạt đỉnh All time high tại mức 4505 USD/tấn vào ngày 24/04/2024 đã điều chỉnh giảm khá mạnh về vùng 3400 USD/tấn, tương ứng với vùng mây Kumo khá dày màu xanh làm vùng hỗ trợ. Sau đó, giá Robusta đang bật tăng trở lại và dường như đang gặp khó khăn tại ngưỡng kháng cự là đường Kijun màu đỏ tại mức 3900 USD/tấn. Chỉ báo động lượng Stochastic RSI cũng đang ở vùng quá mua (>80) cho thấy khả năng điều chỉnh giảm nhẹ trở lại đang chiếm ưu thế cao hơn.
Nhà đầu tư có thể canh các nhịp giảm của giá cà phê Robusta với vùng hỗ trợ gần nhất quanh khoảng 3750 USD/tấn – tương ứng với cạnh dưới của mây Kumo để xem xét vào vị thế với giả định xu hướng tăng của giá cà phê Robusta vẫn duy trì trong giai đoạn tới.
Biểu đồ: Giá cà phê Arabica theo đơn vị UScent/pound (Nguồn: Tradingview)
Còn đối với giá cà phê Arabica, giá cà phê cũng đang trong một chu kỳ tăng mạnh mẽ tương đối giống với cà phê Robusta. Xu hướng tăng được xác lập kể từ tháng 10/2023, đạt đỉnh All time high vào ngày 17/4/2024 ở mức 298 cent/pound – tăng khoảng 68%. Sau đó, giá có điều chỉnh giảm 18% kể từ mức đỉnh – chạm ngưỡng hỗ trợ mạnh là vùng mây kumo màu xanh trước khi bật tăng trở lại trong khoảng bám sát cạnh trên của vùng mây. Giống như cà phê Robusta, chỉ báo Stochastic RSI đang có dấu hiệu cắt từ trên xuống ở vùng quá mua (> 80), báo hiệu khả năng điều chỉnh thoái lui của giá cà phê Arabica trong ngắn hạn. Các ngưỡng hỗ trợ gần nhất của giá Arabica là 259 cent/pound (cạnh dưới vùng mây Kumo) và 249 cent/pound (vùng đỉnh tháng 12/2023).
Nhà đầu tư có thể xem xét mở vị thế mua với cà phê Arabica quanh các vùng hỗ trợ mạnh, với giả định xu thế tăng của giá cà phê Arabica vẫn còn duy trì trong giai đoạn tới.
6. Những điểm cần lưu ý khi giao dịch cà phê
Giao dịch cà phê có thể là một cơ hội tốt cho nhà đầu tư cá nhân tiếp cận thị trường hàng hóa. Mặc dù vậy, để thu được lợi nhuận và kiểm soát tốt rủi ro, có một số điểm nhà giao dịch cần lưu ý như sau:
◆ Chọn phương thức tiếp cận thị trường hợp lý
Trước khi bắt đầu, nhà giao dịch cần lập ra kế hoạch tiếp cận thị trường phù hợp với mục tiêu và kiến thức của mình. Bài viết này đã liệt kê ra nhiều phương thức đầu tư vào cà phê, tuy nhiên, cách khả thi và nhanh nhất tại Việt Nam là giao dịch CFD cà phê hoặc mua cổ phiếu của các công ty cà phê. Những cách như mua hợp đồng tương lai hoặc quyền chọn thường không dễ dàng tiếp cận ở Việt Nam hoặc yêu cầu vốn lớn.
◆ Giao dịch theo yếu tố mùa vụ
Yếu tố mùa vụ có vai trò thiết yếu trong giao dịch cà phê vì nó dễ làm biến động nguồn cung và giá thành sản phẩm. Mùa thu hoạch cà phê của các quốc gia sản xuất lớn như Brazil, Việt Nam và Colombia quyết định sản lượng cà phê trên thị trường. Khi mùa thu hoạch đến, nguồn cung tăng lên, làm giảm giá cà phê do sự gia tăng cung ứng.
Ngược lại, sau mùa thu hoạch, nguồn cung cấp có thể giảm và giá có thể tăng lên. Hiểu rõ thời gian thu hoạch của từng quốc gia và cách chúng ảnh hưởng đến nguồn cung cấp giúp bạn xác định được xu hướng giá cả và có lựa chọn giao dịch thông minh.
Yếu tố mùa vụ còn tác động lên chất lượng cà phê, làm biến đổi phần nào đặc điểm hương vị và chất lượng của sản phẩm, làm thay đổi sự quan tâm của người tiêu dùng và ảnh hưởng đến giá cả trên thị trường.
◆ Đặc biệt quan tâm đến tới thời tiết
Từ trước tới nay, thời tiết là yếu tố có ảnh hưởng thường xuyên và mạnh mẽ tới sản lượng cà phê trên thế giới do nó có tác động trực tiếp đến sản lượng, chất lượng và giá cả của cà phê.
Thời tiết xấu có thể gây thiệt hại cho nguồn cung cấp cà phê của các quốc gia sản xuất lớn như Brazil, Colombia, và Việt Nam. Điều này có thể làm tăng giá cà phê khi nguồn cung giảm.
Thời tiết thay đổi liên tục và các thông tin mới có thể tạo ra cơ hội giao dịch. Theo dõi thông tin thời tiết và những biến đổi có thể giúp bạn đưa ra các quyết định giao dịch thông minh.
◆ Chọn loại cà phê thích hợp để giao dịch
Thị trường cà phê bao gồm hai loại chính là Arabica và Robusta. Arabica thường có chất lượng cao hơn, trong khi Robusta thường có giá thấp hơn và biến động lớn hơn. Hãy chọn loại cà phê phù hợp với kiến thức và mục tiêu đầu tư của mình và nên nhớ rằng, diễn biến giá của hai loại cà phê cũng có ảnh hưởng đến nhau.
7. Tổng kết
Giao dịch cà phê là hoạt động phức tạp nhưng cũng rất hấp dẫn trong thế giới tài chính. Từ việc theo dõi biến động giá cả đến việc đánh giá yếu tố thời tiết và sản xuất toàn cầu, thị trường cà phê đòi hỏi kiến thức sâu rộng và chiến lược linh hoạt. Lợi ích của giao dịch cà phê có thể là tiềm năng sinh lời cao và khả năng đa dạng hóa danh mục. Tuy nhiên, không thể không nhắc đến những rủi ro như yếu tố thời tiết bất ổn và sự nhạy cảm với cung cầu.
Dù bạn là người mới bắt đầu hay đã có kinh nghiệm trong giao dịch, việc đối mặt với thị trường cà phê đòi hỏi sự tỉnh táo, khả năng thích nghi và sự học hỏi không ngừng. Cuối cùng, cách tốt và nhanh nhất để tiếp cận với thị trường cà phê cho nhà giao dịch tại Việt Nam là qua các nhà môi giới CFD như Mitrade, nơi bạn có thể có cơ hội kiếm lợi nhuận từ cả xu hướng tăng và giảm của biến động giá.