Thị trường chứng khoán có rất nhiều các sản phẩm tài chính khác nhau để người tham gia có thể lựa chọn đầu tư như cổ phiếu, chỉ số, hợp đồng tương lai, quyền chọn, chứng quyền… Trong đó, sản phẩm chứng quyền vẫn là một khái niệm khá mới với nhiều trader.
Vậy, chứng quyền là gì? Danh sách chứng quyền phổ biến và cách chơi chứng quyền thế nào? Đây chính là chủ đề được giới thiệu tới bạn đọc trong bài viết ngày hôm nay.
1. Chứng quyền là gì? Tìm hiểu về chứng quyền
Chứng quyền (Stock warrant) là một sản phẩm chứng khoán cho phép người sở hữu có quyền mua hoặc bán sản phẩm chứng khoán của doanh nghiệp phát hành tại một mức giá đã được xác định (giá cố định hay giá thực hiện) trước ngày đáo hạn.
Khi chứng quyền được thực hiện thì doanh nghiệp sẽ phát hành cổ phiếu mới để tăng số lượng cổ phiếu và pha loãng số cổ phiếu mà cổ đông hiện hữu đang nắm giữ. Đây cũng là một cách để doanh nghiệp huy động thêm vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay thì loại chứng quyền đang được giao dịch là chứng quyền có bảo đảm (Covered warrant) được phát hành bởi các công ty chứng khoán. Tuy nhiên, các công ty chứng khoán không có quyền phát hành thêm cổ phiếu, vì vậy họ cần nắm giữ một lượng cổ phiếu nhất định làm tài sản bảo đảm cho việc phát hành chứng quyền cổ phiếu đó. Điều này lý giải cho tên gọi của chứng quyền có bảo đảm.
Chứng quyền đảm bảo không cho phép người sở hữu mua được tài sản chứng khoán cơ sở mà giúp cho họ có được lợi nhuận nhờ vào chênh lệch giá tại thời điểm thực hiện quyền hay đáo hạn.
Thông tin cơ bản về chứng quyền:
Nội dung | Mô tả |
Phát hành bởi | Doanh nghiệp hoặc công ty chứng khoán (tổ chức tài chính) |
Tài sản cơ sở | Cổ phiếu phổ thông, chỉ số chứng khoán, quỹ ETF. |
Giá chứng quyền | Chi phí giao dịch để sở hữu chứng quyền |
Giá thực hiện | Giá mua bán đối với tài sản cơ sở của chứng quyền, giá cố định và không thay đổi theo thời gian. |
Giá thanh toán | Đối với chứng quyền tại thị trường Việt Nam thì giá thanh toán là bình quân giá đóng cửa của giá tài sản chứng khoán cơ sở của 05 phiên liền trước ngày đáo hạn (không bao gồm ngày đáo hạn). Giá này sẽ được tính toán và cổ bố bởi Sở giao dịch chứng khoán. |
Thời hạn | Thời gian có hiệu lực của chứng quyền |
Tỷ lệ chuyển đổi | Quy định về tỷ lệ giữa số lượng chứng quyền và số lượng tài sản cơ sở có thể trao đổi cho nhau. Ví dụ, tỷ lệ chuyển đổi là chứng quyền cho cổ phiếu Hòa Phát là 2:1 thì với 02 chứng quyền, bạn có thể mua 01 cổ phiếu Hòa Phát. |
Ngày đáo hạn | Ngày thực hiện quyền cuối cùng của người sở hữu chứng quyền |
Ngày giao dịch cuối cùng | 02 ngày trước ngày đáo hạn chứng quyền. Chứng quyền sẽ bị hủy niêm yết sau ngày này. |
Ngày thanh toán | Ngày trader nhận được tiền thanh toán (với chứng quyền có lãi) từ tổ chức phát hành. |
Khối lượng giao dịch tối thiểu | 10 Chứng quyền (chứng quyền đảm bảo tại thị trường chứng khoán VN) |
Bước giá | 10 VNĐ |
Các bên tham gia thị trường chứng quyền:
Cơ chế vận hành thị trường chứng quyền gồm 03 giai đoạn:
+ Giai đoạn chào bán: Đơn vị phát hành sẽ đăng ký với Ủy ban chứng khoán nhà nước để nhận chứng nhận cho việc chào bán và thực hiện phân phối tới nhà đầu tư.
+ Giai đoạn niêm yết và giao dịch: Toàn bộ chứng quyền được chấp nhận đăng ký sẽ lưu ký tại Trung Tâm lưu ký chứng khoán và được niêm yết tại sở giao dịch.
+ Giai đoạn thực hiện chứng quyền: Đơn vị phát hành sẽ thanh toán lợi nhuận cho nhà đầu tư có trạng thái chứng quyền lãi vào ngày đáo hạn.
2. Sự khác biệt giữa chứng quyền, quyền chọn, cổ phiếu cơ sở, cổ phiếu phái sinh
Để thấy sự khác biệt giữa chứng quyền và các sản phẩm chứng khoán khác, chúng ta cùng nhìn vào bảng so sánh dưới đây:
Nội dung | Chứng quyền | Cổ phiếu cơ sở | Cổ phiếu phái sinh | |
Định nghĩa | Sản phẩm chứng khoán cho phép người sở hữu mua hoặc bán sản phẩm chứng khoán của đơn vị phát hành tại một mức giá xác định trước trong tương lai. | Sản phẩm chứng khoán phái sinh cho phép người sở hữu có quyền mua hoặc bán một sản phẩm tại một mức giá xác định trong tương lai. | Sản phẩm chứng khoán phát hành bởi doanh nghiệp cho phép người mua vào người bán nắm giữ với các quyền biểu quyết trong hoạt động doanh nghiệp. | Một dạng hợp đồng chứng khoán với tài sản chứng khoán cơ sở, cho phép người sở hữu đầu tư kiếm lợi nhuận từ phần chênh lệch giá. |
Phát hành bởi | Doanh nghiệp hoặc công ty chứng khoán | Sở giao dịch chứng khoán phái sinh | Doanh nghiệp | Sở giao dịch chứng khoán phái sinh |
Thời hạn | Có | Có | Không | Không |
Sở hữu | Quyền mua hoặc bán | Quyền mua hoặc bán | Cổ phần doanh nghiệp | Hợp đồng cổ phiếu cơ sở |
Quyền biểu quyết | Không | Không | Có | Không |
Cổ tức | Không | Không | Có | Không |
Giao dịch đòn bẩy | Không | Có (quyền chọn bán) | Không | Có |
Như vậy, chứng quyền có đặc điểm giống với các sản phẩm chứng khoán phái sinh. Chúng ta sẽ tìm hiểu rõ hơn về các loại chứng quyền và thông tin mỗi loại trong mục tiếp theo của bài viết.
3. Các loại chứng quyền và thông tin cơ bản
Có thể phân loại chứng quyền theo tổ chức phát hành:
+ Phát hành bởi doanh nghiệp: Chứng quyền
+ Phát hành bởi tổ chức tài chính: Chứng quyền có đảm bảo.
Nội dung | Chứng quyền | Chứng quyền có đảm bảo |
Đơn vị phát hành | Doanh nghiệp | Công ty tài chính (Công ty môi giới chứng khoán) |
Tài sản cơ sở | Cổ phiếu công ty | Cổ phiếu, chỉ số chứng khoán, chứng chỉ quỹ ETF |
Mục đích phát hành | + Huy động vốn | + Cung cấp sản phẩm đầu tư + Tăng doanh thu |
Quyền giao dịch | Mua cổ phiếu phát hành thêm từ doanh nghiệp | Giao dịch chứng quyền với tổ chức tài chính hoặc trên sở giao dịch chứng khoán với các mã đã niêm yết. |
Khả năng hoán đổi thành cổ phiếu | Có | Không (tại thị trường Việt Nam) |
Đối với chứng quyền có đảm bảo thì được chia làm 02 loại là:
+ Chứng quyền mua: Chứng quyền cho phép người sở hữu mua tài sản chứng khoán cơ sở theo mức giá thực hiện, hoặc nhận lợi nhuận khi thị giá chứng khoán cơ sở thấp cao hơn giá thực hiện tại thời điểm giao dịch.
+ Chứng quyền bán: Chứng quyền cho phép người sở hữu bán tài sản chứng khoán cơ sở theo mức giá thực hiện hoặc nhận lợi nhuận khi thị giá chứng khoán cơ sở thấp hơn giá thực hiện tại thời điểm giao dịch.
***Lưu ý: Hiện nay, thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ cho phép phát hành chứng khoán có đảm bảo và trader chỉ có thể giao dịch chứng quyền mua.
4. Danh sách chứng quyền phổ biến 2024
Thị trường chứng quyền đang có 110 mã được giao dịch trên sàn giao dịch:
Biểu đồ thị trường chứng quyền ngày 24/07/2024 (Nguồn: Vietstock.vn)
Dưới đây là danh sách 10 mã chứng quyền phổ biến năm 2024 để bạn đọc tham khảo:
Chứng quyền | Thông tin |
CACB2102 | + Chứng khoán cơ sở: ACB + Tổ chức phát hành: BSI + Giá thực hiện: 19,323 VNĐ + Tỷ lệ chuyển đổi: 2.5204 : 1 + Ngày đáo hạn: 23/09/2024 + Giá phát hành: 1,490 VNĐ |
CFPT2310 | + Chứng khoán cơ sở: FPT + Tổ chức phát hành: HCM + Giá thực hiện: 72,975 VNĐ + Tỷ lệ chuyển đổi: 6.8301:1 + Ngày đáo hạn: 05/08/2024 + Giá phát hành:2,000 VNĐ |
CHPG2316 | + Chứng khoán cơ sở: HPG + Tổ chức phát hành: HCM + Giá thực hiện: 84,512 VNĐ + Tỷ lệ chuyển đổi: 4:1 + Ngày đáo hạn: 23/09/2024 + Giá phát hành: 1.500 VNĐ |
CMBB2312 | + Chứng khoán cơ sở: MBB + Tổ chức phát hành: HCM + Giá thực hiện: 19,500 VNĐ + Tỷ lệ chuyển đổi: 1.9569 : 1 + Ngày đáo hạn: 05/08/2024 + Giá phát hành: 1,900 VNĐ |
CMSN2311 | + Chứng khoán cơ sở: MSN + Tổ chức phát hành: HCM + Giá thực hiện: 88,500 VNĐ + Tỷ lệ chuyển đổi: 8:1 + Ngày đáo hạn: 05/08/2024 + Giá phát hành:2,400 VNĐ |
CMWG2310 | + Chứng khoán cơ sở:MWG + Tổ chức phát hành: HCM + Giá thực hiện: 54,500 VNĐ + Tỷ lệ chuyển đổi: 5:1 + Ngày đáo hạn: 05/08/2024 + Giá phát hành: 2,400 VNĐ |
CPOW2314 | + Chứng khoán cơ sở: POW + Tổ chức phát hành: KIS + Giá thực hiện: 13,111 VNĐ + Tỷ lệ chuyển đổi: 2:1 + Ngày đáo hạn: 07/10/2024 + Giá phát hành: 1,600 |
CSHB2305 | + Chứng khoán cơ sở: SHB + Tổ chức phát hành: KIS + Giá thực hiện:12,555 VNĐ + Tỷ lệ chuyển đổi: 5:1 + Ngày đáo hạn: 07/10/2024 + Giá phát hành: 1,000 VNĐ |
CSTB2313 | + Chứng khoán cơ sở: STB + Tổ chức phát hành: KIS + Giá thực hiện: 35,555 VNĐ + Tỷ lệ chuyển đổi: 5:1 + Ngày đáo hạn: 23/09/2024 + Giá phát hành:1.500 VNĐ |
CTCB2307 | + Chứng khoán cơ sở: TCB + Tổ chức phát hành: KIS + Giá thực hiện: 34,000 VNĐ + Tỷ lệ chuyển đổi: 4:1 + Ngày đáo hạn: 05/08/2024 + Giá phát hành: 2,000 VNĐ |
5. Luật pháp quy định về chứng quyền tại Việt Nam
Chính phủ ban hành các nghị định và thông tư quy định về thị trường chứng quyền tại Việt Nam từ năm 2015, bao gồm:
– Nghị định số 60/2015/NĐ-CP về việc “sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 7 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán” ban hành ngày 26/06/2015.
– Thông tư số 107/2016/TT-BTC về việc “Hướng dẫn chào bán và giao dịch chứng quyền có bảo đảm” ban hành ngày 29/06/2016.
– Nghị định số 155/2020/NĐ-CP về việc “Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật chứng khoán” ban hành ngày 31/12/2020.
Theo đó pháp luật quy định rõ về các chủ thể tham gia vào thị trường chứng quyền với các vai trò cụ thể. Thực hiện phát hành, phân phối và chốt quyền theo quy chế đa ban hành. Một số quy định cần lưu ý:
Chỉ công ty chứng khoán được phép phát hành chứng quyền mua có bảo đảm giao dịch trên thị trường.
Thời hạn chứng quyền tối thiểu là 03 tháng và tối đa là 24 tháng.
Thực hiện quyền theo kiểu Châu Âu, nghĩa là vào ngày đáo hạn.
Công ty phát hành sẽ chốt quyền ngày đáo hạn thanh toán bằng tiền, không thể quy đổi sang cổ phiếu cơ sở.
6. Có nên mua chứng quyền 2024
Để trả lời câu hỏi có nên mua chứng quyền năm 2023 thì chúng ta xem xét đến xu hướng thị trường trong năm 2024. Lợi nhuận từ giao dịch chứng quyền phụ thuộc vào xu hướng giá của cổ phiếu cơ sở trong thời gian chứng quyền có hiệu lực. Giá cổ phiếu cơ sở càng cao so với giá thực hiện trong chứng quyền thì lợi nhuận càng cao và ngược lại.
Tiếp theo, chúng ta xem xét về thị trường chứng quyền:
– Thị trường chứng quyền tại Việt Nam vẫn còn mới nhưng đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu nhờ vào tính đòn bẩy cao so với thị trường chứng khoán cơ sở.
– Các mã chứng quyền được lựa chọn đến từ các cổ phiếu cơ sở của doanh nghiệp lớn như FPT, HPG, MGW… đây là một lợi thế cho người tham gia trong việc lựa chọn mã chứng quyền.
– Giá của chứng quyền khá thấp với khối lượng giao dịch tối thiểu là 10, tạo điều kiện tiếp cận cho nhiều đối tượng nhà đầu tư, đặc biệt những người có số vốn thấp.
Từ các nhận định trên, năm 2024 có thể là một cơ hội tốt cho việc tham gia mua chứng quyền. Tuy nhiên, nhà đầu tư có thể mất trắng khi tham gia chứng quyền nếu không kiểm soát quá trình đầu tư cũng như không có kiến thức, kinh nghiệm khi tìm điểm mua bán thích hợp. Bạn có thể tham khảo thêm kinh nghiệm mua chứng quyền tại mục 9 của bài viết để đầu tư hiệu quả hơn.
7. Cách đọc thông tin chứng quyền
Các thông tin về chứng quyền đang thực hiện giao dịch hay niêm yết sẽ được công bố tại các công ty chứng khoán phát hành chứng quyền hoặc các trang thông tin tài chính.
Dưới đây chúng ta sẽ lấy ví dụ về một mã chứng quyền bất kỳ để đọc hiểu thông tin cần thiết:
Mã chứng quyền CACB2102
Nội dung | Chi tiết | Ý nghĩa |
Chứng khoán cơ sở | ACB | Chứng quyền CACB2102 có tài sản chứng khoán cơ sở là cổ phiếu ACB. |
Tổ chứng phát hành CKCS | Ngân hàng TMCP Á Châu (HOSE: ACB) | Doanh nghiệp phát hành chứng khoán cơ sở của chứng quyền. |
Tổ chức phát hành chứng quyền | CTCP Chứng khoán SSI (SSI) | Bạn có thể lựa chọn mua trực tiếp chứng quyền CACB2102 tại SSI hoặc trên sàn giao dịch sau khi niêm yết. |
Loại chứng quyền | Mua | Chứng quyền mua, cho phép bạn mua cổ phiếu ACB tại mức giá xác định 35.000 VNĐ |
Kiểu thực hiện | Châu Âu | Hiện tại có hai kiểu thực hiện là Châu Âu và Châu Mỹ. Kiểu Châu Âu là bạn chỉ có thực hiện quyền vào ngày đáo hạn 01/07/2022. |
Phương thức thực hiện quyền | Thanh toán tiền | Bạn sẽ nhận được tiền mặt thanh toán khoản chênh lệch giá vào ngày đáo hạn nếu ở trong trạng thái lãi. |
Thời hạn | 08 tháng | Thời gian có hiệu lực của chứng quyền CACB2102 là 08 tháng kể từ ngày phát hành 01/11/2021. |
Ngày phát hành | 01/11/2021 | Ngày đầu tiên bạn có thể mua chứng quyền CACB2102 tại tổ chức phát hành. |
Ngày niêm yết | 22/11/2021 | Ngày chứng quyền CACB2102 bắt đầu được niêm yết trên sàn giao dịch điện tử. |
Ngày giao dịch đầu tiên | 24/11/2021 | Ngày đầu tiên mã CACB2102 bắt đầu được giao dịch trên sàn giao dịch điện tử thông qua phương thức khớp lệnh. (không được giao dịch thỏa thuận vào ngày đầu tiên). |
Ngày giao dịch cuối cùng | 29/06/2022 | Ngày cuối cùng có thể mua bán mã CACB2102 trên sàn giao dịch. |
Ngày đáo hạn | 01/07/2022 | Ngày chốt quyền mã CACB2102 và chứng quyền sẽ vô hiệu sau ngày này. |
Tỷ lệ chuyển đổi | 2:1 | Với 02 chứng quyền CACB2102 bạn có thể quy đổi được 01 cổ phiếu ACB vào ngày đáo hạn. Tuy nhiên không áp dụng tại thị trường Việt Nam mà sẽ được quy đổi thành tiền trong trạng thái lãi. |
Giá phát hành | 2.900 | Giá mua 01 chứng quyền CACB2102 |
Giá thực hiện | 35.000 | Giá thực hiện quyền vào ngày đáo hạn của cổ phiếu ACB. |
Khối lượng niêm yết | 15.000.000 | Số lượng chứnng quyền CACB2102 được niêm yết trên sàn giao dịch. |
Khối lượng lưu hành | 15.000.000 | Số lượng chứng quyền CACB2102 được phát hành và giao dịch trên thị trường. |
Cách đọc thông tin chứng quyền trên bảng điện tử:
Bạn có thể mua bán chứng quyền trên sàn giao dịch chứng khoán. Dưới đây là các thông tin cần biết khi đọc thông tin chứng quyền trên bảng điện tử, bên cạnh các thông tin cơ bản được cung cấp ban đầu về chứng quyền.
Nội dung | Ý nghĩa |
Giá trần | Giá cao nhất trong phiên giao dịch của mã chứng quyền |
Giá sàn | Giá thấp nhất trong phiên giao dịch của mã chứng quyền |
Giá tham chiếu | Giá đóng cửa của phiên liền trước. |
Giá và KL | Các mức giá và khối lượng tương ứng đang được đề xuất trên sàn. |
Khớp lệnh | Khối lượng khớp lệnh cùng mức giá tương ứng |
Điểm hòa vốn | Được tính theo giá khớp lệnh tương ứng khi bạn mua chứng quyền. Khi giá chứng khoán cơ sở cao hơn giá điểm hòa vốn vào ngày đáo hạn, bạn sẽ được thanh toán lợi nhuận chênh lệch. Nếu giá chứng khoán cơ sở thấp hơn giá điểm hòa vốn và cao hơn giá thực hiện thì bạn sẽ không được thanh toán phần chênh lệch. |
ĐHV-Giá TT | Chênh lệch giữa Điểm hòa vốn và giá thị trường của cổ phiếu cơ sở trong phiên giao dịch. |
Trên đây là các thông tin quan trọng mà bạn cần quan tâm trong quá trình giao dịch chứng quyền để đảm bảo điểm mua bán thích hợp.
8. Ví dụ về chứng quyền chi tiết
Để hiểu hơn về những gì đã chia sẻ về chứng quyền phía trên, chúng ta sẽ cùng nhau xem xét một ví dụ chi tiết về việc mua bán chứng quyền và cách tính lãi lỗ so với mua chứng khoán cơ sở.
Đánh giá biến động giá chứng quyền so với tài sản cơ sở ngày 14/01/2022:
Sản phẩm | Giá sàn | Giá tham chiếu | Giá trần | Biến động giá |
HDB | 28.650 (-2.150) | 30.800 | 32.950 (+2.150) | 7% |
CHDB2201 | 560 (-260) | 820 | 1080 (+260) | 31,7% |
Như vậy, việc mua chứng quyền CHD2201 so với chứng khoán cơ sở HDB, tương đương với mức đòn bẩy 4,5 lần. Trong khi đó số tiền mà bạn bỏ ra để mua chứng quyền thấp hơn rất nhiều so với cổ phiếu cơ sở.
Ví dụ: Ngày 15/10/2021
Sản phẩm | Giá mua | Khối lượng | Vốn đầu tư |
Cổ phiếu HDB | 26000 VNĐ | 1.000 | 26.000.000 VNĐ |
Chứng quyền CHDB2103 | 800 VNĐ | 32.500 | 26.000.000 VNĐ |
Bảng thông tin chứng quyền:
Chứng quyền | CHDB2103 |
Ngày phát hành | 28/09/2021 |
Ngày niêm yết | 13/10/2021 |
Ngày giao dịch đầu tiên | 15/10/2021 |
Ngày giao dịch cuối cùng | 25/04/2022 |
Ngày đáo hạn | 27/04/2022 |
Tỷ lệ chuyển đổi | 8:1 |
Giá phát hành | 1.000 |
Giá thực hiện | 28.888 |
Thời hạn | 07 tháng |
(Nguồn: Vietstock.vn)
Đánh giá trạng thái lãi lỗ khi mua chứng quyền:
Điểm hòa vốn = Giá mua chứng quyền x tỷ lệ chuyển đổi + Giá thực hiện = 800 x 8 + 28.888 = 35.288 VNĐ
#8.1 Trường hợp 1: Mua bán trong thời gian chứng quyền trong thời gian có hiệu lực
Nếu chốt lợi nhuận tại ngày 24/11/2021 khi HDB có giá 33.000 VNĐ, thì ta có bảng tính như sau:
Nội dung | Cổ phiếu HDB | Chứng quyền CHDB2201 |
Vốn ban đầu | 26.000.000 VNĐ | 30.800.000 VNĐ |
Giá mua ban đầu | 26.000 VNĐ | 800 VNĐ |
Giá chứng khoán ngày bán | 33.000 VNĐ | 1.350 VNĐ |
Chênh lệch | 7.000 | 550 VNĐ |
Khối lượng | 1000 | 32.500 |
Lợi nhuận | 7.000.000 VNĐ (26,9%) | 17.875.000 VNĐ (68,75%) |
Nếu lo ngại một xu hướng giảm sâu hoặc cần rút tiền về, bạn quyết định cắt lỗ vào ngày 23/12/2021, ta có bảng tính sau:
Nội dung | Cổ phiếu HDB | Chứng quyền CHDB2201 |
Vốn ban đầu | 26.000.000 VNĐ | 30.800.000 VNĐ |
Giá mua ban đầu | 26.000 VNĐ | 800 VNĐ |
Giá chứng khoán ngày bán | 28.000 VNĐ | 600 VNĐ |
Chênh lệch | 2.000 | 200 VNĐ |
Khối lượng | 1000 | 32.500 |
Lợi nhuận | 2.000.000 VNĐ (- 7,69%) | 6.500.000 VNĐ (- 25%) |
# 8.2 Trường hợp 2: Chốt chứng quyền tại thời điểm đáo hạn
Nếu tới ngày đáo hạn mà giá cổ phiếu HDB là 33.000 VNĐ thì bạn sẽ không nhận được phần chênh lệch vì đang nằm trong trạng thái lỗ dù giá cổ phiếu cơ sở HDB cao hơn giá thực hiện. Số tiền bạn nhận lại chính là số vốn đầu tư.
Nếu tới ngày đáo hạn mà giá cổ phiếu HDB thấp hơn giá thực hiện 28.888 VNĐ thì bạn sẽ bị mất toàn bộ số vốn đầu tư.
9. Kinh nghiệm mua chứng quyền
Để mua bán chứng quyền hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số kinh nghiệm dưới đây:
– Chỉ tham gia mua chứng quyền khi nhận định xu hướng chung của thị trường là xu hướng tăng.
– Lựa chọn những chứng quyền với cổ phiếu cơ sở của doanh nghiệp tốt.
– Phân tích xu hướng giá cổ phiếu cơ sở của sản phẩm chứng quyền trong thời gian thực hiện chứng quyền. Chỉ mua khi dự đoán giá trong xu hướng tăng.
– Mua chứng quyền với giá thực hiện thấp hơn tương đối so với thị giá hiện tại của chứng khoán cơ sở.
– Mua chứng quyền với tỷ lệ chuyển đổi thấp. Tỷ lệ chuyển đổi cao sẽ làm giảm lợi nhuận của bạn khi trong trạng thái lãi vào ngày đáo hạn.
– Có thể lựa chọn chứng quyền với thời gian đáo hạn dài để giảm thiểu rủi ro biến động bất ngờ của thị trường và cổ phiếu cơ sở.
– Xây dựng nguyên tắc đầu tư về điểm mua bán, chốt lời, cắt lỗ chứng quyền với số lượng phù hợp theo vốn đầu tư và tuân thủ nguyên tắc đó.
– Phân chia tỷ trọng vốn tham gia chứng quyền hợp lý cùng với các sản phẩm chứng khoán hoặc đầu tư tài chính khác. Ví dụ, 10 – 20% vốn cho chứng quyền, 50% vốn cho chứng khoán cơ sở, 10– 20% cho chứng khoán phái sinh, 10 – 20% tiền mặt. Tùy thuộc vào khả năng phân tích và dự đoán xu hướng giá của bạn.
– Chú ý đến ngày giao dịch cuối cùng và đáo hạn hợp đồng. Trong trường hợp thị giá chứng khoán cơ sở thấp hơn giá thực hiện gần ngày đáo hạn, có thể cắt lỗ để tránh mất toàn bộ vốn đầu tư nếu giá cổ phiếu cơ sở trong xu hướng giảm.
10. Các câu hỏi hay gặp về chứng quyền
#10.1 Có thể giao dịch chứng quyền ở đâu?
Có 02 cách để mua bán chứng quyền:
+ Mua bán chứng quyền trực tiếp với đơn vị phát hành (công ty môi giới chứng khoán)
+ Mua bán trên sàn giao dịch với các chứng quyền đã niêm yết giống như việc giao dịch cổ phiếu.
#10.2 Chứng quyền hết hạn thì sao?
Khi chứng quyền hết hạn, trader sẽ nhận được thanh toán nếu giá thanh toán của tài sản chứng khoán cơ sở cao hơn giá thực hiện trong chứng quyền.
Ngược lại, nếu giá thanh toán tài sản chứng khoán cơ sở thấp hơn giá thực hiện trong chứng quyền, trader sẽ bị mất giá trị vốn đầu tư và chứng quyền không còn giá trị giao dịch.
#10.3 Có thể mua bán chứng quyền tước ngày đáo hạn không?
Được. Trader có thể giao dịch chứng quyền đã niêm yết trên sàn giao dịch.
#10.4 Giá trần, giá sàn và giá tham chiếu của chứng quyền tính như thế nào?
Giá tham chiếu = giá đóng cửa của phiên giao dịch ngày liền trước.
Giá trần = Giá tham chiếu + (giá trần cổ phiếu cơ sở – giá tham chiếu cổ phiếu cơ sở) x 1/tỷ lệ chuyển đổi.
Giá sàn = Giá tham chiếu – (giá tham chiếu cổ phiếu cơ sở – giá sàn của cổ phiếu cơ sở) x 1/tỷ lệ chuyển đổi.
Lưu ý: Nếu giá sàn của chứng quyền =< 0, thì giá sàn sẽ được tính = 10 VNĐ (đơn vị yết giá thấp nhất).
#10.5 Phí giao dịch chứng quyền tính thế nào?
Phí giao dịch chứng quyền giống như đối với giao dịch chứng khoán cơ sở.