Trading involve risks and are not suitable for all investors. Please ensure you fully understand the risk involved.

Than đá(Coal) là gì ? Tiềm năng của ngành than còn lớn không? Có nên giao dịch than đá từ giờ đến năm 2024?


Hoạt động sản xuất và tiêu thụ than đá trong thời gian qua đã có phần giảm bớt tại nhiều nền kinh tế lớn do vướng phải các rào cản về môi trường cũng như sự gia tăng của các nguyên liệu thay thế. Tuy nhiên, không vì thế mà tầm quan trọng của than bị giảm bớt đi trong ngắn hạn. Trong bài viết này, hãy cùng Mitrade tìm hiểu về giao dịch than đá, xu hướng và tiềm năng của than đá trong tương lai và triển vọng giá than đá từ giờ đến năm 2024. 


1. Giới thiệu về than đá

Than đá là một loại trầm tích có thành phần chủ yếu là các bon dễ cháy. Nó được hình thành từ tàn tích thực vật (dương xỉ, tảo…), sau một thời gian dài hàng triệu năm biến đổi về mặt hóa học bởi nhiệt độ và áp suất địa chất. Các mỏ than lớn trên thế giới rải rác ở nhiều quốc gia, trong đó có Úc, Nam Phi, Mỹ, Indonesia, Nga là những nơi có trữ lượng mỏ than lớn nhất. 

Than có ứng dụng quan trọng trong lĩnh vực kinh tế sản xuất nói chung khi cung cấp khoảng một phần tư năng lượng cơ bản trên toàn cầu và là nguồn năng lượng lớn nhất cho các nhà máy điện. Tại Mỹ, ước tính ngành điện chiếm khoảng 92% tổng lượng than tiêu thụ vào năm 2021. Một số sản phẩm sản xuất sắt thép và các quy trình công nghiệp khác cũng sử dụng than với giá cao hơn. Mặc dù vậy, ngày càng nhiều người cho rằng than không thân thiện với môi trường và là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến biến đổi khí hậu. Một số nước cũng đang cố gắng chuyển đổi sang sử dụng các nguồn năng lượng sạch hơn.


2. Tìm hiểu thị trường giao dịch than đá


– Các thị trường quan trọng

Theo Statista, Trung Quốc là quốc gia sản xuất than lớn nhất thế giới với 3771 triệu tấn vào năm 2021, cao gấp gần 5 lần sản lượng của quốc gia thứ hai là Ấn Độ. Điều này là dễ hiểu do Trung Quốc là quốc gia có nhu cầu năng lượng rất lớn để phục vụ quá trình sản xuất công nghiệp khổng lổ. Ngoài ra, một số quốc gia sản xuất than lớn khác bao gồm Indonesia (554 triệu tấn), Mỹ (481 triệu tấn), Úc (433 triệu tấn)… 
 

Mặc dù vậy, Mỹ mới là nước có trữ lượng than lớn nhất với ước tính khoảng 219 tỷ tấn than vào năm 2020. Trong đó nổi bật có các mỏ than ở vùng Appalachian, với một số bang như Tây Virginia, Kentucky, Pennsylvania… Trong khi đó, Trung Quốc xếp thứ hai về trữ lượng than trên toàn cầu với khoảng 135 tỷ tấn than. 

Đối với chiều tiêu thụ, không bất ngờ khi Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ than lớn nhất với 4320 nghìn tỷ MMcf, cao hơn gần 5 lần Ấn Độ và 6 lần so với Mỹ. Các quốc gia có dân số càng đông càng có xu hướng tiêu thụ than nhiều hơn do nhu cầu thức ăn, sưởi ấm và nhiên liệu cao. Tuy nhiên, nếu xét theo bình quân đầu người, Úc và Bungari là những quốc gia tiêu thụ nhiều than nhất. 

Các nước sản xuất than hàng đầu thế giới trong năm 2021

Các nước sản xuất than hàng đầu thế giới trong năm 2021 – Nguồn: Statista

 

Các nước tiêu thụ than lớn nhất thế giới năm 2023

Các nước tiêu thụ than lớn nhất thế giới năm 2023 – Nguồn: World population review


– Các yếu tố cơ bản ảnh hưởng đến giá than


֎ Yếu tố liên quan đến địa chính trị


Các sự kiện địa chính trị có thể ảnh hưởng rất lớn đến cung-cầu than đá và giá than nói chung. Chẳng hạn, tranh chấp địa chính trị có thể dẫn đến các lệnh hạn chế thương mại, áp dụng thuế quan hoặc làm gián đoạn quá trình sản xuất vận chuyển than. Hệ quả là lo ngại về an ninh năng lượng gia tăng, khiến các nước đẩy mạnh nhu cầu dự trữ than hoặc có các thay đổi về chính sách năng lượng. Ví dụ tiêu biểu là chiến tranh Nga-Ukraine trong năm 2022 đã đẩy mặt bằng giá than tăng kỷ lục 240% lên quanh mức 441 USD/tấn chỉ trong vòng 9 tháng. 


֎ Nhu cầu tại các thị trường mới nổi

Một nền kinh tế đang phát triển nhanh như tại các thị trường mới nổi sẽ có nhu cầu sử dụng nhiên liệu hóa thạch giá rẻ để sản xuất năng lượng, trong đó có than. Chẳng hạn, việc sử dụng điện tại Trung Quốc đã tăng rất mạnh trong những năm 1990s – 2000s do quá trình đô thị hóa, đẩy mạnh đầu tư sản xuất công nghiệp và xây nhà máy mới đã đẩy mặt bằng giá than lên một vùng cao mới. Ngược lại, giai đoạn Trung Quốc siết chặt các hoạt động sử dụng than và chuyển đổi mô hình sang tăng trưởng bền vững hơn, nhu cầu sử dụng than đã giảm xuống trong giai đoạn 2012-2015. 


֎ Các quy định về môi trường


Than là tác nhân gây ra nhiều chất ô nhiễm nhất so với bất kỳ loại hóa thạch nào khác, khiến nó trở thành nguồn năng lượng bẩn nhất trong số các nguồn năng lượng phổ biến. Khi bị đốt cháy, than thải ra nhiều loại chất độc trong không khí với một lượng lớn khí các bon dioxít – chất gây ra hiệu ứng nhà kính. Theo các chuyên gia, việc sử dụng than là đóng góp tới 30% nguyên nhân gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu. Nhiều hội nghị thượng đỉnh về môi trường đã thúc đẩy sự thay đổi của các nước để sử dụng nguyên liệu thay thế trong tương lai. Chẳng hạn, tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra vào tháng 11/2021 tại Glasgow, Scotland, ba nước là Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ đã nhấn mạnh cam kết giảm phát thải ròng từ 50-70% cho đến năm 2050-2070 so với thời điểm hiện nay.


Các chính sách về môi trường có ảnh hưởng rất mạnh lên giá than nói chung, chẳng hạn giai đoạn hình thành kỳ vọng Trung Quốc cắt giảm tiêu thụ than để giảm ô nhiễm không khí đã khiến mặt bằng giá than giảm xuống trong giai đoạn 2012-2015. 

֎ Sự gia tăng của các nguyên liệu thay thế


Để giảm tác động của môi trường và hướng tới các nguồn năng lượng sạch hơn than, nhiều giải pháp thay thế than đã đã được tính đến và sử dụng, chẳng hạn như khí tự nhiên, năng lượng tái tạo (mặt trời, gió, thủy điện), năng lượng hạt nhân , hydro,… Thông tin về các loại hình công nghệ mới, chính sách hỗ trợ sử dụng nguyên liệu thay thế mới được ban hành có thể làm giảm nhu cầu sử dụng than đá. 


֎ Yếu tố thời tiết


Các yếu tố liên quan đến thời tiết cũng ảnh hưởng mạnh mẽ lên giá than do có thể làm gián đoạn nguồn cung. Chẳng hạn, cơn bão Katrina vào năm 2005 hay bão Harvey năm 2017 đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng quá trình vận chuyển than đá và khiến giá than tăng vọt. 


– Tiềm năng của ngành than trong tương lai


Nhìn chung, trong trung dài hạn, việc sử dụng các sản phẩm thay thế than là tất yếu do các quy định về bảo vệ môi trường và cam kết thực hiện của các nước lớn như Mỹ hay Trung Quốc. Theo Wood Mackenzie, dự báo lượng than nhiệt được giao dịch sẽ giảm tới 60% vào năm 2050. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, việc sử dụng than vẫn là yếu tố thiết yếu do giá rẻ, dễ tiếp cận và phù hợp với nhiều nền kinh tế mới nổi đang cần tiêu thụ nhiên liệu để thúc đẩy công nghiệp hóa, đầu tư cơ sở hạ tầng năng lượng. Khu vực Châu Á- Thái Bình Dương dự kiến là những thị trường có nhu cầu lớn nhất, đặc biệt tại các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia. Ngoài ra, quá trình chuyển đổi sang các dạng năng lượng khác cần sự đầu tư rất lớn và không dễ để có thể thay thế trong ngắn hạn.  

Tiềm năng giao dịch than đá trên toàn cầu

Tiềm năng giao dịch than đá trên toàn cầu (các nước màu đỏ là tốc độ tăng trưởng thấp, vàng là tốc độ trung bình và xanh là tốc độ cao) – Nguồn: Mordor Intelligence

3. Phân tích thực tế giao dịch than


– Phân tích cơ bản 

Sau giai đoạn tăng nóng trong năm 2022 do tác động từ xung đột Nga-Ukraine, giá than đá Newcastle tại Úc đã có xu hướng giảm rất mạnh khoảng hơn 50% kể từ đầu năm 2023 đến nay. Mặc dù vậy, mặt bằng giá nhìn chung vẫn cao hơn nhiều so với giai đoạn 2017-2021. 

Diễn biến giá than Newcastle của Úc

Diễn biến giá than Newcastle của Úc – Nguồn: Refinitiv


Nguyên nhân chủ yếu khiến giá than giảm mạnh từ đầu năm là do nhu cầu thấp tại Châu Âu và nguồn cung có xu hướng gia tăng tại thị trường Úc.

Trong năm 2022, chúng ta đã thấy nhu cầu than tại Châu Âu tăng mạnh khi các nhà máy đốt than được hoạt động trở lại do EU cố gắng giảm sự phụ thuộc vào Nga. Nhưng xu hướng đó đã đảo ngược trong năm 2023 khi tăng trưởng tích cực của năng lượng tái tạo và giá khí đốt thấp khiến giá than đá cơ bản ở mức thấp. Ngoài ra, nhu cầu tại thị trường Trung Quốc cũng ở mức vừa phải khi nước này gặp phải nhiều lực cản trong quá trình mở cửa kinh tế sau đại dịch. Về chiều cung, sau vài tháng gián đoạn liên quan đến thời tiết và vấn đề về hậu cần, nguồn cung tại Úc đã phục hồi đáng kể trong Quý 2/2023. Khối lượng xuất khẩu tăng mạnh từ mức 13,5 triệu tấn trong tháng 2 lên mức 18,5 triệu tấn trong tháng 6. 

– Phân tích kỹ thuật 

giá than Newcastle

 Trên biểu đồ ngày 1D, giá than Newcastle tương lai vẫn vận động trong một kênh xu hướng giảm từ đầu năm, song đang có xu hướng giằng co tạo đáy quanh vùng mây Kumo. Nhìn chung, các yếu tố kỹ thuật cho thấy xu hướng giằng co vẫn là chủ đạo trong thời gian tới và giá than đá sẽ cần một số động lực về mặt cơ bản để có thể hình thành một xu hướng mới mạnh mẽ hơn trong tương lai.

– Xu hướng dự kiến của giá than từ giờ đến năm 2024

Đối với phần còn lại của năm 2023, dự báo triển vọng đối với giá than có thể sẽ giảm nhẹ với một số yếu tố:
(i) Giá khí tự nhiên có thể vẫn thấp khi kho dự trữ khí đốt Châu Âu đã gần đạt công suất tối ưu và khí hậu vùng Bắc bán cầu có thể ấm hơn do hiệu ứng El nino,
(ii) Nhu cầu than ở các thị trường Trung Quốc và EU ở mức vừa phải;
(iii) Nguồn cung tại các thị trường xuất khẩu lớn ổn định hơn giai đoạn năm trước. 


Bước sang năm 2024, theo ước tính của IEA, kỳ vọng nhu cầu than toàn cầu có thể ổn định hơn (ước tính giảm khoảng 0,1%). Trung Quốc, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á dự kiến sẽ là các nước chiếm hơn 75% tiêu thụ than trên toàn cầu; trong khi nhu cầu tại Châu Âu và Mỹ ở mức thấp hơn, chủ yếu do xu hướng sử dụng năng lượng tái tạo, thủy điện và giá khí đốt tự nhiên ở mức thấp hơn. Nguồn cung nhiều khả năng vẫn được đảm bảo tại các thị trường xuất khẩu lớn như Trung Quốc hay Mỹ khi khí hậu ấm hơn do hiệu ứng El Nino, khiến điều khiện khô hơn và hỗ trợ sản lượng tốt hơn. Theo đó, mặt bằng giá than có thể sẽ tương đối ổn định. 

Dự báo triển vọng giá than đá Newcastle

Dự báo triển vọng giá than đá Newcastle – Nguồn: Citibank


Rủi ro cho thị trường giao dịch than trong năm tới sẽ liên quan đến các yếu tố địa chính trị, chẳng hạn như xung đột gần đây tại Israel tại Dải Gaza, có thể khiến giá khí đốt tăng trở lại và gián tiếp thúc đẩy giá than đá tăng trong ngắn hạn.  


4. Cách thức giao dịch than


– Đặc điểm của hợp đồng than

Có rất nhiều loại hình than đá khác nhau như than nhiệt (quốc tế, nội địa Mỹ), than cốc… Trong bài viết này, chúng tôi sử dụng than nhiệt Newcastle sản xuất tại Úc làm tham chiếu giá than do đây là một trong những tham số phổ biến nhất khi nhắc đến giao dịch than đá. Dưới đây là các thông số cơ bản của hợp đồng giao dịch than ICE Newcastle Coal:

Cấu phần

Đặc điểm hợp đồng

Ký hiệu giao dịch

NCF

Sàn giao dịch

ICE/EU

Thay đổi giá nhỏ nhất

0.05 ($50 một hợp đồng)

Ký quỹ/ Duy trì

$51,502/ 46,820

Quy mô hợp đồng

1,000 tấn

Tháng

Tất cả các tháng

Giờ giao dịch

20h p.m – 18h p.m (EST)

Giá trị một hợp đồng tương lai

$1,000

Nguồn: ICE


– Cách thức giao dịch than 

Nhìn chung, than có thể được giao dịch trên các sàn giao dịch hoặc trên thị trường OTC. Than không phải là một loại hàng hóa được buôn bán nhiều do khó vận chuyển. Do đó, nó thường được giao dịch dưới dạng hợp đồng tương lai hoặc thông qua cổ phiếu của các nhà sản xuất than, các quỹ ETF…

Nhà đầu tư có thể tìm cách giao dịch kiếm chênh lệch (CFDs) qua các sàn môi giới uy tín được cấp phép, chẳng hạn như Mitrade. CFD là loại hình cho phép các nhà giao dịch tham gia thị trường than mà không thực sự sở hữu tài sản. 

Đối với cổ phiếu các công ty than, có rất ít công ty giao dịch công khai tham gia khai thác và chế biến than do ngành công nghiệp này đã bị thu hẹp trong những năm gần đây do sáp nhập và phá sản. Tuy nhiên, nhà giao dịch có thể tìm đến một số công ty có hiệu suất cổ phiếu tương quan với giá than chẳng hạn như CNX (sàn NYSE), CSUAY (sàn HKSE), 1898.HK (sàn HKSE). 

Một cách khác để giao dịch than là nhà đầu tư có thể tìm đến chỉ số ETF than. ETF là một quỹ đầu tư mô phỏng theo biến động của cổ phiếu của nhiều công ty, có thể được thay đổi tỷ trọng và cơ cấu danh mục theo định kỳ. Chỉ số ETF than nổi tiếng là VanEck Vectors Coal ETF. Chỉ số này giao dịch phần lớn tài sản với các công ty tạo ra ít nhất 50% doanh thu từ hoạt động sản xuất và khai thác, vận chuyển than. 

5. Những điểm lưu ý khi giao dịch than

– Lưu ý các thông tin liên quan đến Trung Quốc và địa chính trị

Trung Quốc là nhà sản xuất cũng như tiêu thụ than đá lớn nhất; do đó, các thông tin kinh tế vĩ mô, các chỉ số liên quan đến sản xuất – đầu tư – xây dựng của Trung Quốc (PMI Caixin, chỉ số đầu tư tài sản cố định…), các chính sách liên quan đến môi trường sẽ là các thông tin ảnh hưởng mạnh có thể định hình xu hướng mới cho than đá. Ngoài ra, như đã đề cập ở trên, rủi ro địa chính trị luôn là yếu tố quan trọng trong giao dịch hàng hóa nói chung và than đá nói riêng vì nó có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, gián đoạn nguồn cung của các nước. 

– Chú trọng quản lý rủi ro

Than đá là loại hàng hóa tương đối biến động và chịu ảnh hưởng bởi nhiều thông tin khó lường như các chính sách của Chính phủ các nước, thời tiết, địa chính trị… Nhà đầu tư cần quản trị rủi ro thật chặt chẽ, bao gồm phân bổ dòng tiền hợp lý, tuân thủ kỷ luật giao dịch (đưa ra lợi nhuận kỳ vọng, hạn mức dừng lỗ phù hợp) khi tiến hành giao dịch. 

– Đa dạng hóa danh mục đầu tư

Nhà giao dịch luôn được khuyến khích đa dạng hóa danh mục, tránh bỏ trứng vào một rổ khi mua bán than đá nhằm giảm thiểu rủi ro. Theo đó, các tài sản được khuyến nghị có thể mua thêm bao gồm các tài sản về năng lượng như khí tự nhiên, dầu hay các tài sản thay thế như cổ phiếu năng lượng tái tạo. 


6. Tổng kết


Than đá là một loại hàng hóa phổ biến, có tính ứng dụng cao khi là đầu vào sản xuất cho nhiều quy trình công nghiệp quan trọng, đặc biệt là năng lượng điện. Mặc dù bị các quốc gia giảm dần khai thác và tiêu thụ do các vấn đề liên quan đến môi trường, than đá vẫn là nguồn nguyên liệu quan trọng cho các quốc gia mới nổi để hoàn thành tiến trình công nghiệp hóa, xây dựng trong nước. 

Nhà đầu tư có thể giao dịch than đá thông qua các sàn giao dịch được cấp phép uy tín. Khi giao dịch than đá, nhà đầu tư rất nên để ý đến các thông tin quan trọng về thị trường cung-cầu (Trung Quốc, Úc, Indonesia, Mỹ, EU…), đồng thời theo dõi về môi trường, biến đổi khí hậu và các sự kiện địa chính trị do đây là những tác nhân chính ảnh hưởng lên giá than trong ngắn và trung hạn. Quản trị rủi ro tốt là điều thiết yếu khi giao dịch than đá.

Kể từ đầu năm 2023, giá than đá đã giảm hơn 50% do nhu cầu sụt giảm trong khi nguồn cung than dư thừa. Dự kiến giá than đá có thể trở nên ổn định hơn trong năm 2024; mặc dù rủi ro về chiều tăng có thể quay trở lại khi rủi ro địa chính trị leo thang khó lường. 

Khám phá thêm​

03 bước đơn giản để giao dịch toàn cầu với 50.000 vốn ảo miễn phí